“Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài. (…) Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi (…) Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kệ” Đảng”.
Trong bầu không khí vui tươi phấn khởi toàn Đảng toàn quân toàn dân chào mừng Quốc khánh hôm nọ, lại có một cơn bão trong cốc nước, khuấy lên chính vì chiếc status trên trang mạng Facebook có nội dung như trên. Nó xuất hiện trên trang cá nhân của Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 Anh trường Phổ thông trung học chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái).
Chu Ngọc Quang Vinh từng là quán quân vòng thi tuần và tháng của cuộc thi kiến thức nổi tiếng ở Việt Nam mang tên Đường lên đỉnh Olympia.
Tìm đường lên đỉnh Olympia vì “lợi ích viển vông”
Phần thưởng dành cho quán quân cuộc thi năm của Đường lên đỉnh Olympia là học bổng toàn phần tại một trường Đại học ở Úc. Hai giải nhì và ba cũng được trao học bổng du học Úc với tỷ lệ thấp hơn.
Tính đến năm 2023, sau 23 năm tổ chức cuộc thi, chỉ có ba quán quân trở về Việt Nam làm việc sau thời gian học ở Úc.
Chính vì thế, sau mỗi cuộc thi, trên mạng lại có những câu bình luận hài hước kiểu “Chúc mừng nước Úc”. Chúc mừng nước Úc đã thu hút được thêm một (hay vài) người trẻ tuổi thông minh và có ý chí (đã chọn cách ở lại nước Úc để góp phần xây dựng một nước Úc giàu và đẹp).
Vì thế, cái ý “tôi tìm mọi cách để sau này có thể được sống ở nước ngoài” của Chu Ngọc Quang Vinh được một số người đọc gắn với thành tích thi Olympia của cậu, cho rằng Vinh cố gắng thi đạt giải cao nhiều cuộc thi kiến thức để có thể giành được một học bổng đi học-và ở lại định cư (nhấn mạnh) ở nước ngoài.
Thế là có rất nhiều người và báo chí chính thống của Nhà nước lên án em là có tư tưởng ích kỷ lệch lạc, vô ơn với đất nước, chỉ quan tâm đến bản thân, đến “lợi ích viển vông ở các nước phương Tây xa xôi”…
Ngay sau đó, Vinh được Công an mời lên làm việc để uốn nắn lại tư tưởng và nhận thức, đi kèm có mẹ và cô giáo chủ nhiệm.
Sự việc rần rần đến gây kinh ngạc.
Thế nhưng, cảm xúc của Chu Ngọc Quang Vinh không phải chuyện mới mẻ hay lạ lẫm, hiếm hoi gì. Thậm chí ngược lại, nó là hiện tượng phổ biến từ lâu, đến nỗi khối đảng đoàn phải dành riêng cho nó một… thuật ngữ.
“Nhạt Đảng, khô Đoàn”
Trong các văn kiện chính thức, có lẽ “Nhạt Đảng, khô Đoàn” được nhắc đến lần đầu tiên tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 vào năm 2017, với phát biểu cảnh tỉnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Phạm Thu Thủy (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) giải nghĩa “nhạt Đảng, khô Đoàn” là những người bàng quan với các vấn đề chính trị, không coi đó là những điều có liên quan và ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình, thiếu niềm tin vào Đoàn (và Đảng), coi vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ công dân.
Thế nhưng, vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu thanh thiếu niên Việt Nam nói trên đã có đánh giá hết sức phiến diện, đánh tráo khái niệm và cố tình làm lơ nguyên nhân căn bản của tình trạng “khô, nhạt”. Bà quy kết rằng cuộc sống hiện đại của thế hệ trẻ sung sướng hơn, dẫn đến ngày càng có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn, từ đó đẩy họ vào guồng quay công việc, không còn thời gian và không gian với đời sống chung quanh, khép mình, vị kỷ hơn, không còn động lực nuôi dưỡng những lý tưởng cao đẹp với cộng đồng, đất nước.
Đây là sự tráo trở và đổ lỗi cực kỳ xấu xa.
Bất cứ ai biết đọc chữ cũng biết trên đất nước Việt Nam này có hàng trăm ngàn hội nhóm, tổ chức tự phát của thanh niên tự nguyện đi làm các công việc giúp ích cộng đồng. Họ đi dạy chữ cho trẻ em nghèo và người lớn thất học, đi bắt cướp, đi hút đinh mà bọn thợ sửa xe bất nhân rải ra đường nhằm đâm thủng bánh xe người qua lại, đi vá đường, lên núi chiếu phim cho đồng bào dân tộc thiểu số, dạy bơi cho trẻ em, xây nhà xây cầu ở vùng sâu vùng xa, vớt sạch rác trên hàng ngàn con kênh thối, chăm sóc người già, người khuyết tật, neo đơn, thăm người bệnh phong già yếu trong các trại, trồng cây xanh, quyên sữa cho trẻ em, đem gạo và quần áo lên những vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, nấu ăn tặng bệnh nhân nghèo… Không thể thống kê nổi vì những tổ chức này có thể sinh ra và hoạt động hăng say bất kỳ lúc nào, nhưng họ chẳng đăng ký gì với nhà nước cả.
Chỉ cần search rất đơn giản trên mạng xã hội cũng sẽ thấy một thiên hà những đội nhóm từ thiện khắp mọi miền cả nước.
Đó mà là vị kỷ, ham hưởng thụ, là không có lý tưởng cao đẹp với cộng đồng, với đất nước ư?
Đó mà là coi vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ công dân, chưa nhận thức được giá trị của cộng đồng ư?
Tiến sĩ Phạm Thu Thủy nên lấy nước muối rửa mắt trước khi nhận định về họ.
Sự thật chính là đây: đa số thanh niên không quan tâm đến Đảng, đến Đoàn là vì bản chất hoạt động của chính các tổ chức đó.
Việc trở thành Đảng viên có mối quan hệ sâu sắc và kỳ dị với vấn nạn tham nhũng.
Theo quy trình tổ chức cán bộ, muốn trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều kiện bắt buộc phải là đảng viên.
Quá trình này khá thú vị: tổ chức đảng ở cơ quan/đơn vị/tổ chức sẽ theo dõi “quần chúng”, xem xem có những ai nổi bật về chuyên môn và đạo đức (theo lý thuyết), có lý tưởng (biết “cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng”), gia cảnh tốt, không có người mang nợ máu với Đảng (con cái, cháu chắt sĩ quan chế độ Cộng hòa.v.v). Họ tiếp cận, tập trung chú ý vào người đó, đề cập việc vào Đảng. Thường ai cũng đồng ý cả, vì vào Đảng thì cơ hội thăng tiến cao hơn rất nhiều. Chi bộ Đảng là tổ chức lãnh đạo cơ quan/đơn vị, nên tham gia vào đó cũng gần như bắt đầu được hưởng một thứ đặc quyền.
Bên cạnh đó, mỗi chi bộ đều được giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới mỗi năm. Nó là một tiêu chí xét thi đua nên có những khi dù có vơ bèo vạt tép thì họ cũng phải kết nạp đảng viên mới.
Nhưng, mặc dù Đảng luôn hô hào đảng viên phải gương mẫu đạo đức trên mọi lĩnh vực, cơ mà chất lượng đảng viên lại là một đại lượng rất mơ hồ.
Đảng viên làm lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, có quyền ký duyệt những dự án đem lại lợi nhuận cho người khác nhưng bản thân lại được hưởng mức lương rất thấp. Vì thế, dù là ai thì lâu dần cũng sẽ đi đến kết luận: chia sẻ lợi ích trong những việc này là hợp pháp, hợp đạo lý. Và thế là bắt đầu quá trình (trăm người như một) tham nhũng, ăn hối lộ, vòi vĩnh, ra điều kiện, bung dù che ô cùng rỉa rói túi tiền doanh nghiệp, người dân.
Những người trong sạch thì trước sau cũng chủ động hoặc bị đánh văng khỏi bộ máy.
Vì đó là… em
Đây là những con số chính thức:
Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.000 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, gần 9.000 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Tính chung từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trong năm 2023, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với chín cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả trong lẫn ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Điển hình là vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; vụ đăng kiểm; Công ty AIC; Công ty Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Cũng trong năm 2023, phát hiện, xử lý hơn 270 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng lại tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự gần 140 trường hợp (trích báo Thanh tra).
Tham nhũng từ trên xuống dưới, phổ biến, nghiêm trọng và công khai trắng trợn đến nỗi nói đến nhà nước, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, người dân chẳng còn một chút lòng tin nào nữa.
Thế rồi cái cách Đảng xử lý những đảng viên biến chất của mình cũng rất trịch thượng. Đảng khai trừ chúng, trả chúng về với … nhân dân.
Sao lạ vậy?
Khi họ là tinh hoa, là hạt giống tốt thì Đảng chọn lấy, Đảng kết nạp. Vào Đảng rồi, tinh hoa thành tinh ma, hạt giống tốt thành hạt giống thối nát. Thì đấy chính là lỗi của Đảng. Đảng phải giữ thật chặt bọn chúng lại mà giáo dục, răn đe, trừng phạt, cảm hóa…v.v chứ sao lại phủi tay trả về quần chúng nhanh thế? Hóa ra quần chúng là cái sọt rác của Đảng sao?
Đảng như vậy, đảng viên như vậy, bảo thanh niên không nhạt nhẽo với Đảng khó lắm thay.
Những ai mặn mà chỉ có thể thuộc một trong hai loại: thứ nhất là ngây thơ trong sáng, tấm chiếu chưa trải, vẫn còn tin tưởng vào những khẩu hiệu vang dội. Thứ hai, chính là loại toan tính, mưu đồ, muốn leo cao để ăn nhiều.
Không có loại nào khác.
Thế còn “khô Đoàn”?
Quy trình trở thành Đoàn viên cũng hệt như trở thành Đảng viên, nhưng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Trong trường học từ phổ thông đến đại học,
Trên báo chí quốc doanh, khi có các sự kiện gắn với thanh niên thì đoàn viên lại được ca ngợi. Đến nỗi nó trở thành một cụm từ đặc tả, cứ “màu áo xanh” thì biết ngay sẽ gắn với “tình nguyện”. Xã hội được một lần yêu thương, thán phục sức trẻ, sự cống hiến hy sinh không toan tính cho xã hội v.v
Nhưng sự yêu thương thán phục đó chắc sẽ giảm khá nhiều khi họ biết rằng cán bộ Đoàn, Hội (Hội liên hiệp thanh niên) được hưởng rất nhiều ưu đãi và đặc quyền.
Cụ thể, họ được giảm thời gian làm việc chuyên môn để dành cho công tác Đoàn, Hội. Được hưởng trợ cấp ngang với một khoa trong Đại học hay phòng trong cơ quan, đơn vị. Được ưu tiên cộng điểm đánh giá năng lực, ưu tiên xét cấp học bổng, ưu tiên xem xét tuyển dụng khi thi tuyển công chức, ưu tiên giới thiệu việc làm, hỗ trợ điều kiện làm việc và học tập.
Và đây mới là điểm hấp dẫn nhất: được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo của nhà trường; khi hết tuổi Đoàn thì được kết nạp Đảng và luân chuyển sang giữ các chức vụ tương đương trong bộ máy chính quyền.
Trở thành đảng viên lãnh đạo rồi thì… xin xem lại phần 1.
Năm 2020, báo Giao thông thực hiện một sơ kết rất hay: họ thống kê xem có bao nhiêu bí thư tỉnh ủy xuất thân là cán bộ Đoàn. Con số là 16 bí thư tỉnh ủy các tỉnh thành đương nhiệm từng là bí thư Đoàn các cấp, trong tổng số 63 bí thư thành ủy/tỉnh ủy cả nước. Rất đáng kể!
Con đường ngoằn ngoèo để trở thành lãnh đạo này rất hấp dẫn, vì nó không đề cao chuyên môn, không bắt buộc người ta phải xuất sắc nổi bật về trí tuệ và đạo đức.
Thế nhưng, tuyệt đại đa số đoàn viên chân trắng thì chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm. Công chức nhà nước nếu là đoàn viên thì ngoài thời gian làm việc chuyên môn còn phải “hăng hái, nhiệt tình” tham gia các công tác đoàn tại địa phương và cơ quan như đi móc cống, hốt rác “ngày chủ nhật xanh”, đi trại hè với thiếu nhi địa phương, đi thăm nom bà mẹ Việt Nam anh hùng… Trong khi họ chỉ muốn dành thời gian ngoài giờ để nghỉ ngơi hoặc làm thêm kiếm tiền bù đắp đồng lương.
Thế thì bảo họ “ướt Đoàn” bằng cách nào?
Thanh thiếu niên bây giờ không quan tâm đến Đảng, đến Đoàn. Trên đỉnh Olympia từ trước tới giờ không có Đảng. Đó là sự thật, chính những người lãnh đạo Đảng, Đoàn hiểu rõ điều đó hơn ai hết.
Nhưng khi sự thật đó được nói công khai qua miệng một thanh niên 17 tuổi, là một hạt giống tốt (quán quân cuộc thi Olympia tháng) thì nó trở nên đáng lo ngại. Lo ngại tư tưởng đó sẽ đánh thức và lan tỏa vào các thanh thiếu niên khác.
Có thế thôi!
___________
Tham khảo:
[ https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=165723Opens in new window ]
https://nhandan.vn/ly-giai-tinh-trang-nhat-dang-kho-doan-xa-roi-chinh-tri-post744492.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.