Hội nghị Trung ương 5: Nghị quyết vẫn là công cụ lãnh đạo của Đảng, tính khả thi có vấn đề

Hội nghị Trung ương 5 khoá 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp vào ngày mai để quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Giới quan sát chú ý không chỉ về sự thay đổi tổ chức, nhân sự Đảng liên quan đến chống tham nhũng, suy thoái, mà gần đây còn dành sự quan tâm lớn đến tính khả thi của các nghị quyết chuyên đề.

Công cụ lãnh đạo chủ yếu

Nghị quyết vẫn là công cụ lãnh đạo chủ yếu của Đảng mặc dù mô hình Xô Viết với hệ tư tưởng Mác – Lê-nin đã sụp đổ ở Châu Âu từ lâu và Việt Nam đã chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội năm năm, Đảng tổ chức các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (TW) với sự tham dự của các lãnh đạo cao nhất của Đảng để ban hành các nghị quyết – hình thức chính sách đặc thù. Ở đầu nhiệm kỳ là nghị quyết về tổ chức nhân sự mới, sau đó là các nghị quyết chuyên đề và ở cuối là sự chuẩn bị văn kiện và nhân sự cho nhiệm kỳ sau.

Số lượng nghị quyết nhiều hay ít tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể trong mỗi giai đoạn hoạt động. Trong thời kỳ “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế”, bùng phát từ Đại hội 11 của Đảng, từ năm 2011 đến nay, số lượng hội nghị, nghị quyết, kết luận tăng lên nhiều. Trong nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016) có 14 kỳ hội nghị được tiến hành và 15 kỳ hội nghị phải tổ chức trong nhiệm kỳ 12 (2016-2021) với hàng chục văn bản dưới hình thức nghị quyết, kết luận, chỉ thị... Hai nhóm vấn đề nổi bật được công luận chú ý trong các quyết định của Đảng. Trong khi nhóm nghị quyết về sự thay đổi về tổ chức nhân sự Đảng như là kết quả qua mỗi đợt “chống tham nhũng, chống suy thoái” thu hút sự chú ý ngày càng lớn vì tính thời sự và liên quan đến “sự tồn vong của Đảng”, thì các nghị quyết “chuyên đề” như các chính sách phát triển quan trọng lại ít được quan tâm vì tính chuyên môn và, hơn thế, tính khả thi bị giảm sút.

Tính khả thi là vấn đề

Trong mô hình Xô - Viết trước đây các nghị quyết của Đảng CS phải “song hành” với công cụ kế hoạch hoá tập trung để đảm bảo chúng được thực hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi kế hoạch hoá tập trung bị thay thế bởi công cụ thị trường trong quá trình chuyển đổi kinh tế, thì tính khả thi của các nghị quyết là vấn đề lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Các nghị quyết “nợ đọng” chưa được thực hiện hay thực hiện không hiệu quả ngày càng nhiều và nghiêm trọng qua nhiều kỳ đại hội Đảng. Chỉ tính từ sau Đại hội 13 năm 2021 đến nay hàng chục nghị quyết, kết luận được ban hành, trong đó có nghị quyết bổ sung để tiếp tục thực hiện các nghị quyết cùng chủ đề trước đó. Điển hình là Nghị quyết TW 4, lặp lại qua ba nhiệm kỳ đại hội Đảng, về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” trước sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ đảng viên.

Ngoài ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn ban hành nhiều Kết luận, một hình thức chỉ đạo thúc giục thực hiện các nghị quyết. Ví dụ, ngày 25/10/2021 Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm… Hơn thế, vấn đề trở nên “rối” khi một số kết luận của Đảng có chứa đựng nội dung mang tính “điều hành”, có thể gây ra hoạt động “song trùng” với chức năng điều hành của Chính phủ.

000_Hkg4476059.jpg
Đại biểu dự Đại hội 11 ĐCSVN cầm thẻ Đảng bỏ phiếu cho nghị quyết cuối cùng của Đại hội ở Hà Nội hôm 19/1/2011. AFP

“Sự bất ổn” chưa thể khắc phục

Cách sử dụng nghị quyết của Đảng như công cụ lãnh đạo chủ yếu liệu có giải quyết được mâu thuẫn giữa hai hệ giá trị đối nghịch: cộng sản và thị trường, sự tách biệt ngày càng lớn khi thị trường xâm nhập ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế khi “sự bất ổn” thể chế của thập kỷ “sóng gió” (2011-2021) đối với sự tồn vong của Đảng vẫn chưa thể được khắc phục.

Sự chia rẽ gay gắt giữa “phe Đảng” - chuyên trách chính trị và “phe Chính phủ” - kỹ trị thị trường, về nhân sự, về nội dung chính sách tiếp tục cải cách, về kỷ luật Đảng. Đại hội này đánh dấu sự thắng thế của phe Đảng với sự củng cố tập trung quyền lực Đảng. Sự ổn định chỉ là bề nổi, tạm thời. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái tư tưởng, đạo đức vẫn là những chính sách ưu tiên, nhưng sau hơn 10 năm tiến hành, tình hình vẫn “diễn biến phức tạp, tinh vi”, “hiệu quả chưa cao”. Mâu thuẫn cơ bản nêu trên như những con sóng ngầm tích tụ, dồn nén và có nguy cơ cuộn lên dữ dội bất cứ khi nào có cơ hội.

Truyền thống qua các thế hệ cách mạng và sự kéo dài tăng trưởng kinh tế tương đối cao được viện dẫn làm cơ sở cho khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, việc diễn giải thị trường khác biệt với chủ nghĩa tư bản… phản ánh sự nguỵ biện thay vì chứng tỏ năng lực của giới lý luận “cung đình”. Chính sách thực dụng đã “phản bội” tư tưởng đấu tranh giai cấp, bóc lột sức lao động vốn là động lực chuyên chế của chế độ, mở cửa kêu gọi tư bản, đầu tư nước ngoài … được coi là sách lược để đi lên CNXH… Những quan niệm bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều đang cản trở thay vì thúc đẩy cải cách chuyển đổi dân chủ.

Đảng cần thay đổi để thích nghi với thị trường

Thể chế hoá các nghị quyết theo hướng thị trường đang trở nên cấp bách để đảm bảo tính khả thi. Thực tế “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trong thời gian qua cho thấy tình trạng “luật ống, luật khung và luật có tuổi thọ ngắn”, nợ đọng các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện là khá phổ biến và nó đang cản trở sự điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội. Điển hình, việc sửa đổi Luật Đất đai “rơi vào bế tắc” từ nhiều năm nay, nhưng do tính chất “nhạy cảm” mà việc chuẩn bị nội dung cho một nghị quyết tại Hội nghị TW vẫn là thách thức. Mâu thuẫn giữa ý thức hệ CNXH và thị trường, giữa chế độ sở hữu toàn dân - nền tảng của chế độ và sở hữu tư nhân – cơ sở của thị trường, đòi hỏi phân chia quyền lực đối trọng và cơ chế dân chủ để kiểm soát quyền lực.

Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và thị trường là trọng tâm trong cải cách thể chế. Đảng cần thay đổi để thích nghi với thị trường, chứ không thể ngược lại. Thời kỳ đầu “đổi mới” với quan niệm rằng thị trường có thể được điều tiết bởi ý chí, nhưng thực tế đã cho thấy nếu không cải cách chính trị sẽ không thể duy trì tăng trưởng và nâng cao chất lượng. Hơn thế, hiệu quả của cải cách thể chế chính trị mới quyết định sự “dẻo dai” của chế độ, trong đó tăng tính khả thi của việc thể chế hoá, luật hoá các nghị quyết của Đảng theo hướng thị trường có ý nghĩa quan trọng. Bởi vậy, để nghị quyết “đi vào cuộc sống” khi ban hành các cần đặt ưu tiên cho việc thể chế hoá theo hướng thị trường.

Về nguyên lý, quá trình thể chế hoá cần được xác định bởi sự phát triển và những thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh thị trường thâm nhập ngày càng sâu rộng và đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho hoạt động kinh tế và, như hiệu ứng lan toả làm thay đổi các hành vi xã hội, thì các quy ước hoặc chuẩn mực được thiết lập trong quá trình thể chế hoá để điều tiết các hành vi hay hoạt động của các chủ thể và cần tạo ra sự bình đẳng cho mọi người, bất kể quan chức hay dân thường, đảng viên hay không… trong các quyền cơ bản, nghĩa vụ và bổn phận, đóng góp và thụ hưởng.

Hiệu quả, hiệu lực giảm sút đang làm nảy sinh vấn đề về sự phù hợp của nghị quyết của Đảng như công cụ lãnh đạo chủ yếu trong bối cảnh chuyển đổi thị trường. Đại hội Đảng và các hội nghị trung ương thu hút sự quan tâm chú ý về nhân sự lãnh đạo thay vì các nghị quyết chuyên đề bởi tính khả thi. Trường hợp nghị TW 5 dự kiến tổ chức trong tháng 5/2022 tới đây cũng không là ngoại lệ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.