Hoàng tử trong Tấm Cám-chàng “em chã” đích thực

Hồi bé đọc Tấm Cám, rồi lại học Tấm Cám trong nhà trường, cứ in vào não những gì được dạy: cô Tấm chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng nên được phần thưởng to nhất là lấy được hoàng tử, sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

Nhớn lên đọc lại thì ôi thôi, hoàng tử thế này, có gói quà thắt nơ kim tuyến sang tặng, cũng cóc thèm.

Chàng ta là em chã đích thực.

Thứ nhất, hoàng tử vô cùng hời hợt, thiếu trách nhiệm trong những việc tối quan trọng.

Chàng ta kén vợ, vợ hoàng tử sẽ là một bậc mẫu nghi thiên hạ, thế nhưng không tìm hiểu lý lịch ba đời, không cần biết tính nết nhân cách, cũng chả cần xem mặt. Ông bà dạy: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, rồi nào phụ nữ phải “Công, dung, ngôn, hạnh”… Ông hoàng kệ tuốt. Chàng ta chỉ yêu quý ngắm nghía đôi chân bọc trong chiếc hài thêu (chứng nghiện bàn chân chăng?) rồi dứt khoát cứ ai thử hài vừa chân thì làm vợ. Thế nhỡ không phải mình cô Tấm mà có đến một chục người, trong đó có cả bà già trẻ con thì sao? Ai bảo cứ mang vừa hài đẹp thì nhất định phải là cô gái trẻ đẹp chứ? Cũng rước về cung làm vợ tuốt luốt à?

Có ai đường đường là thế hệ lãnh đạo kế tiếp của một đất nước mà lại nông cạn đến thế không?

Lấy vợ xong rồi, anh cũng chẳng cần tìm hiểu gia đình bên vợ để biết đường cư xử. Nếu tìm, anh đã biết Tấm trục trặc quan hệ gia đình với mẹ kế, với em cùng cha, thậm chí đã từng bị ghét bỏ bất công. Khi Tấm trở thành con dâu vua, vị trí hai bên trở nên chênh lệch cực độ sẽ càng khơi dậy lòng ghen ghét, có thể biến thành âm mưu hãm hại Tấm như thực tế chứng minh sau này. Lịch sử cung đấu đầy máu và nước mắt ai cũng rành rẽ. Sao anh ấy nhẹ dạ thế? Hay anh ấy ít xem phim?
Không những hời hợt, ảnh còn thiếu đạo hiếu.
Lấy vợ rồi, cô Tấm về giỗ cha nhưng đức ông chồng đã chẳng về theo để lạy tạ hương hồn nhạc phụ đã đành, lại cũng chẳng hề sai người đi hộ giá. Chứ nếu có vệ sĩ hoàng gia mỗi bước mỗi bám sát gót thì mắc mớ gì cô Tấm phải đích thân trèo cau? Ngay cả khi cô muốn tự trèo cau để tỏ lòng hiếu với bố thì đám vệ sĩ cũng phải đóng kiệu nâng cô lên đến tận ngọn cau mà hái. Làm sao có con mụ mẹ Cám dám lơ vơ dưới gốc cau ra sức chặt, để đến nỗi cô Tấm rơi tùm xuống ao hy sinh oanh liệt?

Nói yêu thương nhưng chẳng có hành động nào bảo vệ người mình yêu, hoàng tử chính là kẻ làm màu bậc nhất. Đã thế còn vô tình, vô nghĩa.

Đấy là khi tự dưng thấy lù lù một người đàn bà khác mặc quần áo của vợ mình, xưng là em gái của vợ mình, cho biết vợ mình đã chết nên đem thân thay thế…. Chàng ta gật đầu chấp nhận ngay tắp lự. Một điều tối thiểu phải nghi ngờ là tại sao vợ mình chết bất minh mà cô gái này dám lột quần áo của người đã khuất-là hành vi bất kính cực độ trong văn hóa Việt Nam? Vợ mình chết, thế thái y đã khám xét chưa? Biên bản khám nghiệm hiện trường đâu? Chết vì nguyên nhân gì? Táng ở đâu? Tại sao cô gái này dám tự tiện thay thế?
Không, chàng ta cóc thèm biết.
Hoàng đế Shah Jahal khi vợ qua đời thì đau thương cực độ, dành ròng rã 22 năm xây tặng vợ cái lăng Taj Mahal tuyệt tác. Bác sĩ Aibôlit để tang vợ suốt đời, đóng kín cửa cắt đứt mọi giao tiếp với thế gian. Còn Hoàng tử nhà ta buồn cũng có buồn đấy, nhưng vẫn có ngay một cô vợ thay thế rồi nên chàng cũng cứ thế mà hưởng.

Hoàng tử chỉ biết đến các thú giải trí bên ngoài, chẳng chung thủy với ai hay với cái gì, chàng thay thế chúng liên tục.

Khi có con vàng anh quấn quít vui tai, chàng mê nó đến ngẩn ngơ mặc kệ vợ mới. Nhưng con chim tự dưng chết bất minh, chàng cũng kệ xác nó như đã từng kệ xác Tấm. Chàng đã có ngay hai cây xoan đào ngả tán xuống che mát khi ra đấy mắc võng. Hai cây xoan bị đốn, chàng cũng chả hỏi chả rằng. Thụ động đến nỗi cứ mặc kệ đời trôi thế, xong tự dưng một hôm đi chơi gặp được vợ ở nhà bà cụ hàng nước thì tay bắt mặt mừng đón vợ về, như thật.

Thật đúng đôi lứa xứng đôi. Vợ thì dở người, còn chồng là cái gối bên ngoài thêu hoa, bên trong nhét toàn vải vụn.

Đón vợ về rồi, biết tỏng các âm mưu hãm hại hết lần nọ đến lần kia của mẹ con Cám, chàng ta cũng chẳng ái tình dứt khoát. Chàng không trừng phạt, không trả Cám về nơi sản xuất, cứ kệ xác Cám đấy mà vui vầy với Tấm. Hồ sơ án rành rành nhưng chàng chẳng đóng cũng chẳng mở, cứ thế an nhiên coi như không có gì xảy ra.
Thế bảo sao chả chọc máu ghen, để cuối cùng xảy ra tấn thảm kịch ghê rợn: vợ nọ muối mắm vợ kia, gửi về mẹ kế thưởng thức.
Dĩ nhiên, vụ án cuối cùng này cũng chìm xuồng lập tức.

Có một ông sếp như thế nên trật tự trị an thời đó thật kinh khủng.

Ngay ở trong cung, một bà vợ vua ngang nhiên đi chặt cây, giết chim, toàn những vật cưng của chồng mình, rồi trở thành nạn nhân của bà vợ khác. Mở ngoặc: cung đấu là đây chứ đâu. Thế nhưng, như đã nói, án nào cũng "thối". Mà đại án như thế còn bị cất kho thì những vụ án trong dân có cửa nào để được điều tra xét xử đến nơi đến chốn?
Nhìn sang nước người ta, cũng Lọ lem như mình cơ mà thời ấy công nghệ đã phát triển vượt bậc. Giày thì bằng thủy tinh mà đi hội mấy đêm liền không vỡ. Đến xe cộ cũng thời thượng và cá nhân hóa đến nỗi muốn có hình quả bí là có hình quả bí. Yêu động vật và hệ sinh thái cân bằng đến nỗi chuột làm lái xe, thằn lằn làm người hầu, tất cả hòa bình thống nhất.

Còn mình… vợ vua… ngồi giặt áo trong cung, phơi áo trên hàng rào...

Viết đến đây buồn rơi nước mắt.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do