Tôi đến Sapa lần đầu tiên vào năm 1996, trong một chuyến đi chơi. Để lên tới đó ngày ấy quả là kỳ công, bởi từ Hà Nội lên đến Lào Cai phải ngồi tầu hoả mất cả đêm đến trưa hôm sau. Rồi từ Lào Cai lên đến Sapa lại mất chừng một buổi chiều chạy xe khách 40km theo quốc lộ 4D nữa. Hồi đó đường xấu lắm. Tôi nhớ mình xuống tầu lúc khoảng giữa trưa mà đến 7 h tối mới tới được Sapa. Cái xe khách cà khổ đưa chúng tôi đi cứ lầm lũi bò men theo từng con dốc dựng đứng, đôi lúc nó cua ngoặt đi theo cung đường giữa lưng chừng núi cao, để lộ ra một khoảng vực sâu hun hút xanh thẳm bên dưới. Sau này khi những trò chơi tàu lượn siêu tốc bắt đầu du nhập vào Việt Nam cũng không thể làm tôi choáng ngợp bằng chuyến xe khách lên Sapa hồi đó.
7h tối, Sapa kính chào quý khách bằng một vườn mận tối âm u. Đúng chỗ bây giờ là vườn hoa trung tâm ngày đó toàn mận. Cơ man nào là mận. Mận che khuất cả khối đá cột mốc có từ thời Pháp, mãi đến sáng hôm sau tôi mới nhìn thấy cái chóp của nó nổi lên một chút giữa những tán cây xanh rì. Cả trung tâm thị trấn Sapa hồi đó vắng hoe, chỉ có chừng vài chục nóc nhà, và dễ nhìn thấy nhất là nhà thờ cổ và trạm khí tượng. Khoảng 2 năm sau thì khối khách sạn Victory mới được xây dựng trên núi cạnh đó. Trong khung cảnh đó duy nhất chỉ thấy có trạm khí tượng và cái khách sạn tôi đến là nhà xây có đổ bê tông. Còn lại toàn thị trấn là những nếp nhà xinh xinh bằng gỗ thấp thoáng nơi sườn núi. Mái nhà lợp bằng gỗ Pơ mu dầy 4-5 cm, hoặc lợp vảy cá bằng đá Ác đoa, là loại đá rất mỏng màu đen, giống như nóc nhà hát lớn Hà Nội các bạn có thể thấy bây giờ.
Buổi sáng ở Sapa rất lạnh. Những hàng nhũ băng đá hình thành từ đêm, đến sáng sớm thả xuống như rèm thuỷ tinh lấp lánh bên dưới mái hiên khắp thị trấn, phải đến 8-9 h khi nắng lên nó mới tan đi hết. Buổi trưa đúng hôm tôi đến là phiên chợ ngày chủ nhật. Hàng trăm con ngựa của bà con dân tộc tụ về, buộc đầy dưới khoảnh đất lòng chảo ngay cạnh nhà thờ. Những cái gùi mây, những cái khăn cái áo sặc sỡ các màu, những cái cuốc cái mai, những khẩu súng kíp, những mớ rễ thuốc nam, những tiếng người dân tộc lao xao gọi nhau, những tiếng kèn môi, khèn Mông... Tất cả những thứ đó tràn ngập khắp khu chợ làm tôi chìm nghỉm đi trong một không gian đặc quánh màu cổ tích.
Sau này, những ấn tượng đẹp đẽ đó về Sapa chính là nguyên nhân chủ yếu làm tôi đã quyết định bỏ phố lên rừng về đây làm việc. Tháng 10 năm 2003, tôi về Lào Cai làm việc tại sở Xây dựng. Ông Giàng Seo Phử lúc đó là bí thư Tỉnh uỷ. Ông Bùi Quang Vinh lúc đó vừa lên chủ tịch tỉnh. Lào Cai dưới sự lãnh đạo của hai ông lúc đó đã làm một việc động trời. Đó là một tỉnh nghèo miền núi dám lần đầu tiên bỏ tiền mời chuyên gia quy hoạch Pháp về đây thiết kế lại nơi này. Tham vọng lúc đó của tỉnh là phải biến Sapa thành một trung tâm du lịch sang trọng và độc đáo nhất cả nước. Với mây, với núi, với sự phong phú về văn hoá, con người, khí hậu... Sapa quả thật có quá nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm du lịch độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á này.
Đội ngũ chuyên gia Pháp mà tỉnh Lào Cai mời sang quy hoạch lại Sapa chính là các giáo sư, kiến trúc sư và kỹ sư của Đại học Bordeaux 3, Đại học kiến trúc phong cảnh Bordeaux, công ty đô thị Bordeaux Metropole Aquitaine, Đại học kiến trúc Paris Malaquais, Công ty tư vấn hạ tầng ECCTA... Nói chung đây toàn là các chuyên gia tầm cỡ thế giới, đến từ một quốc gia có văn minh kiến trúc lâu đời, không có gì phải bàn cãi về trình độ của họ.
Theo thoả thuận, phía Pháp tài trợ toàn bộ tiền lương và chi phí máy bay cho các chuyên gia Pháp sang Việt Nam. Phía Lào Cai chịu trách nhiệm phương tiện làm việc, phương tiện di chuyển, nơi ăn nghỉ, nơi làm việc của các chuyên gia. Vì là một chuyên viên nằm vùng tại Sapa, làm việc trực tiếp hàng ngày với các chuyên gia và cả lãnh đạo cấp tỉnh, nên tôi biết đến cuối giai đoạn hợp tác này thì chi phí phía Việt Nam bỏ ra chừng 9-10 tỷ đồng. Còn phía Pháp cũng mất chừng khoảng 1 triệu Euro cho dự án hợp tác này.
Trước khi về Sapa tôi đã từng có thời gian khoảng 2 năm làm việc ở Viện quy hoạch Bộ Xây dựng. Nhưng đến khi tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia quy hoạch Pháp thì quả thực tôi đã được may mắn tiếp cận với một tư duy mới, một phong cách mới ở đẳng cấp thế giới trong nghề quy hoạch kiến trúc. Người Pháp làm quy hoạch cực kỳ tỉ mỉ. Trong khoảng 1 năm đầu tiên họ dành thời gian đi từng ngôi nhà, từng ngóc ngách, chụp ảnh, tiếp xúc và hỏi chuyện từng người dân bình thường. Hàng trăm cân tài liệu, bản đồ, số liệu địa chất thuỷ văn được họ đến từng sở ban ngành ở Lào Cai và cả ở Hà Nội để thu thập. Không chỉ vậy, phía Pháp còn tra tầm tất cả tài liệu, phim ảnh còn lưu ở thư viện bên Pháp có liên quan đến Sapa từ gần một thế kỷ trước. Với quy mô dân số thị trấn Sapa vào thời điểm những năm 2000 khoảng 7 ngàn dân, tôi cảm thấy kinh ngạc trước sự tỉ mỉ trong cách làm quy hoạch của người Pháp.
Thế rồi sau 3 năm làm việc cần mẫn, đến tháng 9 năm 2004 thì tỉnh Lào Cai chính thức công bố quy hoạch Sapa. Bộ tài liệu quy hoạch Sapa bao gồm 4 tập, trong đó qui định tỉ mỉ từng hàng cây, góc phố, từng cái cống, cái bờ rào, từng nóc nhà phải bảo tồn hoặc phá bỏ ra sao. Đây là một tài liệu quy hoạch đồ sộ nhất, chi tiết nhất, văn minh nhất của Việt Nam thời điểm bấy giờ. Và đó không chỉ là thành quả của các chuyên gia Pháp, mà còn là công sức của từ lãnh đạo tỉnh đến một thằng nhân viên quèn như tôi. Với tầm nhìn chiến lược, với sự tỉ mỉ trong từng yếu tố kiến trúc quy hoạch, nếu Quy hoạch Sapa năm 2004 được thực hiện đúng thì bây giờ Việt Nam đã có một khu du lịch đẳng cấp tầm cỡ thế giới, và có sự độc đáo không nơi nào có được trên hành tinh này.
Hỡi ôi! Đấy chỉ là một ước mơ dang dở. Ai đến Sapa gần đây đều phải than trời vì tình trạng xây dựng tràn lan, vô tổ chức, phá hết cảnh quan thiên nhiên mà ông trời đã ban tặng cho nơi này. Và không chỉ thiên nhiên bị tàn phá, văn hoá và đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc ở Sapa đã bị mai một gần hết, khi mà hàng chục ngàn người ở dưới xuôi lên đây làm ăn sinh sống. Mạnh ai nấy xây. Nhà to nhà nhỏ. Cần cẩu thép lừng lững khắp Sapa. Cả nơi này biến thành đại công trường. Khách du lịch lố nhố hàng đoàn chen chân với công nhân xây dựng trong khói bụi. Rồi cáp treo Fanxipang vươn lên tận đỉnh, với Phật ngồi ngạo nghễ trên đó trông không khác gì cái chùa Tầu, phá vỡ sự uy nghi thần bí của dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Có quá nhiều thứ đã và đang tàn phá Sapa mà tôi không thể đề cập hết được trong bài viết này. Chỉ có điều tôi có thể dám khẳng định, đó không phải là những thứ mà Quy hoạch Sapa 2004 và những người năm xưa làm ra nó mong muốn.
Tiếng kèn môi rỉ rả trong sương trắng. Vạt váy Mông thấp thoáng e lệ bên con dốc. Phố nhỏ hiện lên từ trong mây. Rặng mận rừng trắng đỉnh Hàm Rồng. Dải Hoàng Liên trầm mặc quấn đầy mây trắng ngó xuống xóm núi nhỏ. Tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm của một giấc mơ đã chết trong tôi. Tôi khóc cho Sapa, khóc cho đất nước này, vì đã không giữ được những gì tinh tuý nhất mà tạo hoá ban tặng.
Yên nghỉ nhé giấc mơ của tôi./.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do