Sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải
Nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa
Nghe tiếng trống năm 30 còn lay động đến bây giờ
Tiếng thiêng trống đó chính là lời Đảng gọi
Lớp lớp nông dân đã vùng lên như bão nổi, như sóng cồn
Phá hết gông xiềng để giành lại những áo cơm
Trên báo Quân đội nhân dân, tác giả Trần Thái Phương tự hào nhắc lại lời bài hát do nhạc sĩ Thái Cơ sáng tác. Ca khúc này một thời chiếm sóng đài phát thanh và là bài hát trên cửa miệng của nhiều người do giai điệu vừa trữ tình, vừa hào hùng của nó.
Ông Trần Thái Phương nhận xét “Bài hát đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Thái Cơ, cho đến ngày nay, không người con quê hương Thái Bình nào không biết đến, dù họ đang ở quê hay xa xứ tới mọi miền đất nước và nước ngoài”.
Quả là bài hát đi cùng năm tháng, và cái tên Tiền Hải, Thái Bình từ ca khúc đó đi vào trong trí nhớ của rất nhiều người đúng như nhận xét của tác giả. Nhưng không ai ngờ chỉ 67 năm sau hồi trống hào hùng lật đổ chính quyền vào những năm 30 của thế kỷ 20, thì đến năm 1997, nông dân Thái Bình phải tiếp tục “lớp lớp vùng lên như bão nổi như sóng cồn”, để kêu gọi sửa chữa những gì họ đã tham gia dựng lên trước đó.
Chính từ sự kiện này đã thúc đẩy Bộ Chính trị ban hành khẩn cấp Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua vào tuần trước là sự cụ thể hóa. Tuy thế, luật này khó có thể có hiệu quả toàn vẹn và thực sự trong bối cảnh chính trị, pháp luật và xã hội Việt Nam hiện tại.
Và vì vậy, bài học Thái Bình chưa cũ.
Cường hào mới
"Khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh, đã hình thành một lớp cường hào mới. Motyp của cán bộ xã thời đó là chiều chiều, từng đoàn xe máy lũ lượt kéo nhau lên thị xã hoặc các trung tâm lớn để ăn tiêu, đập phá.
Cách để “nhận diện” họ khá dễ bởi mùa đông thì áo lông, quần ka ki, đầu đội “nồi cơm điện”, đi dép lê loẹt quẹt. Mùa hè, trang phục thay đổi đôi chút, áo lông được thay bằng áo bay.
Họ ăn uống xô bồ, bặm trợn và nói năng thường là rất thô lỗ…"-Báo Dân Trí mô tả.
Lớp cường hào mới này là nguyên nhân trực tiếp gây ra một sự kiện long trời lở đất tại Thái Bình năm 1997. Đó cũng là lần đầu tiên một cuộc đấu tranh đông người, có tổ chức chặt chẽ, có ôn hòa kỳ lạ xen lẫn nhiều hành động quá khích cực đoan và diễn ra rộng khắp gần như chiếm trọn vẹn toàn bộ tỉnh Thái Bình được ghi lại trong một ấn phẩm chính thức của UBND-HĐND tỉnh. Cuốn sách có tên là Từ điển Thái Bình.
Trong cuốn sách này, sự kiện Thái Bình được gọi chung là “tình hình mất ổn định chính trị-xã hội”. Cách gọi này gần như hoàn toàn trái ngược với cách gọi của những vị lãnh đao cao cấp nhất bấy giờ như cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Đỗ Mười, Ủy viên Thường vụ-Thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Nguyễn Hữu Thọ, lẫn những người được chính quyền cử làm nhiệm vụ quan sát và báo cáo nguyên nhân như Viện trưởng Viện Xã hội học, GS Tương Lai.
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương kể lại: "Khi nghe báo cáo về cuộc khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng (thời điểm đó ông Đồng là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng-NV) đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng: "Ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân". Ông (Phạm Văn Đồng) yêu cầu chỉnh lại: "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng"!
Điểm cháy phát xuất từ xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ. Từ điển Thái Bình viết: "Trong 2 tháng cuối 1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện, tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái với chủ trương của tỉnh; các khoản dân phải đóng góp quá lớn; cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lý cán bộ sai phạm."
Cuộc biểu tình bằng xe đạp đi hàng đôi, không xả ra đường lấy một cọng rác
19h30 ngày 26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì UBND xã còn nợ chi nhánh 3,8 triệu đồng. Do bị cắt điện, hàng nghìn người dân trong xã kéo đến nhà Chủ tịch UBND xã thắc mắc. Một số người đập phá tài sản trong nhà chủ tịch, gây thiệt hại khoảng ba triệu đồng.
Ngày 14/1/1997, từ tố cáo của người dân, Công an đã khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra xã Quỳnh Hội. Toàn bộ ba chức sắc cao nhất của HTX Nông nghiệp đều bị khởi tố, bao gồm Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm HTX), Nguyễn Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ HTX nông nghiệp).
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi ba cường hào mới của xã Quỳnh Hội bị khởi tố, thì đến ngày 11/5/1997, trong huyện Quỳnh Phụ lại nổ ra cuộc đấu tranh có tổ chức bài bản và quy mô lớn hơn nhiều, cũng vẫn với những nguyên nhân đó.
Nhiều nguồn thông tin bấy giờ cho biết theo ước đoán, có khoảng 2.000 nông dân Quỳnh Phụ thuộc trên dưới 36/38 xã của huyện Quỳnh Phụ đã tham gia vào cuộc biểu tình này. Trình độ tổ chức chặt chẽ của cuộc biểu tình và ý thức tuân thủ tổ chức của đám đông lớn lao khiến những người chứng kiến khâm phục. Người ta kể lại rằng họ diễu hành hàng đôi từ huyện lên tỉnh bằng xe đạp, để tránh những trục trặc và ách tắc giao thông do họ gây ra hoặc do hoàn cảnh đưa lại. Cứ khoảng từ 30 đến 50 người lại có một người sửa xe đạp để nhỡ trên đường có xe hư hỏng là sửa ngay và tiếp tục cuộc đi. Ðến trụ sở Ủy ban tỉnh, người dân ngồi thành hàng trên vỉa hè, tuyệt đối không bẻ cây, vứt rác, làm mất trật tự, trị an nơi họ có mặt. Trong hai ngày một đêm, 2.000 nông dân kiên nhẫn chịu đựng sự căng thẳng, mệt mỏi chỉ để đưa được lá đơn khiếu nại tới tay ông Chủ tịch tỉnh. Chỉ riêng sự kiện này đã gây ảnh hưởng lớn trong toàn tỉnh.
Ở những cuộc biểu tình này tuyệt nhiên không có xung đột, đụng độ nào cho dù có sự hiện diện của cảnh sát dã chiến (chỉ có xung đột ở huyện, xã).
Song song với cuộc biểu tình ngồi trước trụ sở UBND tỉnh thì ở trước trụ sở UBND huyện Quỳnh Phụ, cuộc tập trung của nhân dân nhiều xã trong huyện cứ đông dần lên vì người các nơi ùn ùn kéo đến, có người ước lượng là có đến 10.000 người.
Nguyên nhân vẫn là vì người dân đã không còn chịu nổi trước cảnh bị tận thu với tổng cộng khoảng 30 khoản thu các loại từ xã đến tỉnh. Số thóc phải nộp cho các khoản này gần như ngốn hết hoa lợi từ đồng lúa-nguồn sống chính của gần như toàn bộ nông dân tỉnh Thái Bình. Nếu trong nhà có người bệnh thì chi phí thuốc men gần như chiếm hết khoản thu nhập còn lại dùng cho sinh hoạt. Trong khi đó, các quan xã lại giàu lên nhanh chóng, thậm chí sống xa hoa - ngay trước mắt những người dân cùng làng, với nhiều biểu hiện kệch cỡm và coi thường người dân.
Xin các lãnh đạo cho biết bí quyết làm giàu
Trong các cuộc họp dân, rất châm biếm, người dân đã xoay quanh câu hỏi làm thế nào để họ cũng được giàu lên nhanh chóng như những vị cán bộ xã.
Giáo sư Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học bấy giờ, tác giả của những nhận xét trên, viết trong Báo cáo về vụ nổi dậy ở Thái Bình,: "Khi đám đông đã đến quy mô như vậy, chỉ cần một hành động quá khích là có thể dẫn đến những bùng nổ không sao kiềm chế được".
Đỉnh điểm của vụ nổi dậy diễn ra vào các ngày 10/5/1997, 8/6/1997, đêm 10/5 đến rạng sáng ngày 11/5, chiều 16/6/1997, đêm 26 rạng ngày 27/6/1997, chiều 13/11/1997.
______________
Tham khảo:
https://nghiencuulichsu.com/2017/04/18/bao-cao-ve-vu-noi-day-o-thai-binh-1997/
https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/giai-quyet-va-phong-ngua-diem-nong-trong-tinh-hinh-hien-nay.html
https://thaibinh.gov.vn/upload/80571/fck/files/7137dc34b0bd1fb97b321a2908ba36fb.pdf
https://vtc.vn/ong-pham-the-duyet-tung-50-lan-lien-tuc-di-ve-diem-nong-thai-binh-ar317566.html
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/thu-tuong-chinh-phu/dong-chi-pham-van-dong-57
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do