Giải phóng Miền Nam cướp mất sự hồn nhiên của tuổi học trò!

Đã lọt vào khung U 70 gần đất xa trời nhưng cứ mỗi lần phượng nở, tôi cứ hoang mang nhớ về mùa hè học trò cuối cùng năm 1975 dù rằng sau đó tôi vẫn còn tiếp tục đèn sách nhiều năm nữa. Cảm giác ấy cứ đeo dẳng hàng chục năm trời, mãi gần đến cuối đời tôi mới lý giải nguyên nhân. Công cuộc giải phóng Miền Nam đã cướp đi bao thứ quý giá hữu hình và vô hình, trong đó có sự hồn nhiên của tuổi học trò. Sau ngày được giải phóng vẫn là thầy đó, vẫn là trò đó, mái trường đó, bạn bè đó, nhưng mối quan hệ ứng xử đã khác đi, môi trường xã hội khác đi, sự hồn nhiên chỉ còn là mơ ước.

Ngày nay, ít nhiều trong giới trẻ vẫn có người yêu thích ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” vì giai điệu mượt mà của nó, nhưng những thế hệ 7x,8x,9x ấy không ai có cơ hội trải nghiệm “90 ngày qua chứa chan tình thương” và nhiều hương vị ngọt ngào của tuổi học trò hồn nhiên. Công cuộc hoàn toàn Giải Phóng Miền Nam không chỉ cực kỳ đắt đỏ về sinh mạng, tiền của, tài nguyên, cơ hội phát triển của quốc gia mà còn cướp đi sự hồn nhiên trong suốt quý giá vô ngần của tuổi học trò.

Đừng nghĩ Miền Nam trước 1975 là phồn hoa giả tạo, sống nhờ bơ thừa sữa cặn nên tuổi học trò hồn nhiên, Miền Nam vẫn oằn mình trong chiến tranh, đại bác không chỉ đêm đêm vọng về thành phố mà còn dội về thanh phố nữa. Vì vậy, sau 1975 mới có câu chuyện vui, bà cụ Sài Gòn vui mừng cám ơn Cách Mạng vô Giải Phóng Miền Nam. Hồi cách mạng chưa vô, Việt Cộng pháo kích dân chết quá trời. Ở nông thôn chuyện “trái mìn nổ chậm người chết hai lần diễn ra như cơm bữa”. Xã hội cũng có người nghèo, đầy rẫy bất công, … nhưng những thứ ấy nằm bên ngoài cánh cổng nhà trường.

Ngày đó tôi còn trung học chưa được trải nghiệm không gian tự trị đại học như thể nào, chỉ đọc báo thấy các anh chị sinh viên tranh cử vào các ban đại diện, Tổng hội sinh viên và kéo nhau biểu tình sôi nổi. Cấp trung học chúng tôi thì vô tư chỉ mắt sáng môi cười, chỉ học và chơi không bị chi phối tác động của sinh hoạt chính trị, đoàn thể, thi đua.

Về chuyện học, đối với nam sinh áp lực rớt tú tài anh đi trung sĩ là có thật. Trường công chưa phát triển nhiều, mỗi quận chỉ có một trường trung học, sự gạn lọc qua chỉ tiêu thi tuyển ở từng cấp tiểu học lên trung học, tú tài 1 và tú tài 2 khá khắt khe nhưng chỉ là nỗ lực học, thi tự nhiên chứ không có hiện tượng chạy điểm, chạy thầy.

Mỗi môn học có hai kỳ thi và kiểm tra. Nếu điểm trung bình các môn cả năm trên 4 điểm là lên lớp, học sinh có điểm trung bình cả năm cao nhất cả lớp sẽ được thưởng cuối năm. Việc học đa phần các điểm thi, điểm kiểm tra, do Ban Đại diện lớp ghi vào sổ, vào thành tích biểu, thầy cô hướng dẫn chỉ giám sát ghi lời phê và ký tên.

Ngoài hệ thống trường công lập lại có các trường tư thục. Gia đình nghèo thì có bán công và các trường tư thục Bồ Đề, Thánh Mẫu được Phật Giáo, Công giáo bảo trợ học phí phải chăng. Cánh cửa học luôn mở ra với người có chí.

AP467336074796.jpg
Sinh viên trường Đại học Dược Sài Gòn ném bàn và ghế khi khoảng 30 sinh viên ủng hộ chính phủ tìm cách ngăn một cuộc họp của các sinh viên chống chính phủ hôm 31/5/1966. AP

Trong nhà trường, các thầy cô cứ theo chương trình và thời khóa biểu của nhà trường, không bị áp lực nào về tiến độ về chỉ tiêu lên lớp xuống ở lại lớp hay sách giáo khoa.

Trong không gian tự do đó, nhiều thày cô đã có phong thái, phương pháp riêng độc đáo không chỉ vun đắp kiến thức mà còn nhóm lửa tình yêu môn học cho học trò. Thầy dạy Hóa năm đệ ngũ của tôi đã truyền câu thần chú phân nhóm hóa trị các nguyên tố hóa học mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ: Hy A Na Ka. Má ông bác sĩ sanh, ăn cơm vàng Fè. Môn cổ văn năm đệ tứ khá khô khan, thầy dạy văn đã phụ đạo thêm cho chúng tôi những bài thơ nằm ngoài chương trình học như Áo Lụa Hà Đông, thậm chí cả những bài Từ Ấy của Tố Hữu, Quê Hương của Giang Nam. Cô giáo văn năm đệ tam giảng rất sâu hàng chục tiết hai đoạn Tài Sắc Chị Em Kiều và Kiều du xuân, phần còn lại của chương trình gồm cả Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm và Hoa tiên truyện thì chúng tôi chia tổ tự thuyết trình tranh luận với nhau. Cứ như vậy, mỗi tiết học, mỗi môn học cứ như những cánh cửa mới mở ra những khu vườn mới.

Chương trình học hầu như ổn định suốt hai thập kỷ 60-70, Chỉ có thay đổi nhỏ bỏ thi chuyển cấp từ cấp hai lên cấp ba vào thập kỷ 1950-1970. Năm 1974 thử nghiệm thi tú tài trắc nghiệm IBM. Chương trình học vừa phải với sức học, lương giáo viên đủ với mức sống nhàn nhã nên không có dạy thêm học thêm vì tiền. Một bộ sách giáo khoa có thể sử dụng cho cả gia đình từ anh cả đến em út. Học sinh trường công chỉ đóng tiền niển liểm một lần số tiền không đáng kể chỉ tương đương bữa ăn sáng. Quỹ phụ huynh học sinh hoàn toàn tự nguyện, thông thường các trường có mạnh thường quân khá giả tài trợ.

Ngoài việc học, học sinh có nhiều cơ hội để chơi các bộ môn thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Khoảng sân trường vừa là nơi sinh hoạt, vừa là sân bóngchuyền, cầu lông… sau giờ học, thầy trò cùng chơi vui bình đẳng. Trong những cuộc vui ấy trọng tài học trò thổi còi bắt lỗi cầu thủ thầy bắt bóng dính tay là chuyện bình thường.

Ngoài số giáo viên chính ngạch tốt nghiệm ngành sư phạm, ngành giáo dục Miền Nam còn tiếp nhận những sinh viên các trường đại học hay những người có bằng đại học dạy theo chế độ hợp đồng. Ở Sài Gòn hay các thành phố lớn nhiều người may mắn được học với các nhà thơ như Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Anh Việt Thu… Ở các trường tỉnh, trường quận có thể là các viên chức địa phương nhưng đa phần là các sinh viên Khoa Học, Văn Khoa. Chính những giáo viên trẻ này đã là nguồn sung lực tạo nhiều sinh hoạt, ngoại khóa, cắm trại tạo ra sinh khí học trò mà nhất là các chương trình văn nghệ. Những cô giáo từng là nữ sinh Trưng Vương, Gia Long đã trao truyền cho học trò những tiết mục đặc sắc truyền thống của mình như các nhạc cảnh Đêm Mê Linh, Đêm Lam Sơn, Hội Nghị Diên Hồng, hay các tiết mục ca múa từ các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy….

Thầy trò nghỉ trọn vẹn ba tháng hè. Sân trường thực sự hoàn toàn vắng lặng. Học trò ở phố thì có thể học thêm ở các trường tư hoặc học năng khiếu. Ở nông thôn thì đa số phụ giúp gia đình hoặc vui trong những sinh hoạt bắt cá, bắn chim … Nhưng điều thú vị không chỉ ở ngày hè mà còn trước ngày hè. Hầu hết các niên học đều kết thúc bằng cuộc cắm trại và liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao cấp trường. Vì vậy, sau khi thi học kỳ hay từng lớp, từng nhóm học trò quây quần với nhau ôn luyện tưng bừng. Một số trường trung học ở Sài Gòn và cấp tỉnh còn có phong trào xuất bản Nội San, Đặc San do chính học sinh tự sáng tác, trình bày in ấn và phát hành. Thông thường là in bằng giấy sáp, hay Roneo.

Nhà trường là nơi vừa học vừa chơi ngoài xã hội lại có môi trường cho học trò vừa chơi vừa học với những hoạt động tự nguyện rèn luyện kỹ năng, nhân cách cho học trò rất đa dạng. Các tờ báo, tạp chí cho lứa tuổi thiếu niên như Thằng Bờm, Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, đều có mảng sáng tác đăng bài của học sinh trong lứa tuổi. Những nhóm sáng tác ấy lại tổ chức các thi văn đoàn, tập hợp các cây bút có cùng sở thích để chia sẻ, sinh hoạt với nhau.

Tùy theo khả năng, sở thích học trò có thể tự nguyện tham gia vào nhiều tổ chức hội đoàn. Ai thích khám phá thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng mưu sinh thoát hiểm thì tham gia Hướng Đạo Sinh, ai có khuynh hướng làm từ thiện sinh họa tôn giáo thì gia nhậpGia Đình Phật Tử, ai thích cứu tế xã hội thì vào Hội Hồng Thập tự, ai thích ca hát thì vào Du Ca.

Sự hồn nhiên trong suốt của tuổi học trò Miền Nam thời ấy đã cho tuổi trẻ tri thức, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn, lối sống trung thực đôn hậu, sẻ chia bồi đắp cho cá tính miền Mam trọng nghĩa khinh tài sẵn có.

Cuộc giải phóng Miền Nam đã quét sạch, cướp sạch, giết sạch sự hồn nhiên ấy từ nguyên lý, mục tiêu, cách điều hành nên giáo dục đến những thiết chế xã hộ hỗ trợ. Nền giáo dục xã nghĩa xem học trò như những con chuột bạch liên tục thử nghiệm những chương trình giáo khoa nay thay mai đổi do những quái vật không tim, xem sách giáo khoa là kho vàng không đáy. Chế độ quan liêu hà khắc, giáo viên bị bần cùng hóa về thu nhập, nô lệ hóa về tư tưởng, bị tha hóa về nhân phẩm.

Đặc tính chung của chính trị cộng sản là sợ hãi tự do, chuyên áp chế bằng cường quyền song song với giả danh, nhân danh dối trá. Nhà nước cách mạng đã xóa sạch các tổ chức hoạt động xã hội, các đoàn thể được cả nhân loại tôn vinh. Độc ác hơn nữa là áp đặt hệ thống đoàn đội, cờ đỏ trong nhà trường, gieo rắc sự dối trá, thói tranh giành quyền lực giết chết giá trị nhân tính của thế hệ trẻ từ trong trứng nước.

Bạo hành trong nhà trường, tiêu cực trong thi cử, sự tha hóa đạo đức của nhà giáo,… tất cả đều là hậu quả là sản phẩm của nền giáo dục xã nghĩa.

Còn duy trì chế độ toàn trị thì thì chỉ có thể đào tạo ra những con người xã nghĩa, tham lam, dối trá, vô cảm.