Mặt trái tấm huân chương của phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy

“Không có ổng, đường này đâu có đi được. Trước đường sình lầy, mùa nước nổi, bà con phải chống xuồng đi. Ổng về bỏ tiền đổ đá ba lần đường mới cao được. Rồi ổng với tui hùn tiền làm đường điện hơn 800 m để chia lại cho mấy nhà bà con ở quanh. Không có ổng, dân quanh đây không có điện.”

“Chỉ cậu nhóc nhỏ xíu, ông Bảy Bút cho biết đó là cháu ngoại Võ Văn Quý, mới 5 tuổi. Ông cười cho hay: “Nó gọi ổng là ông nội. Hồi đó, nó được vô học Trường mầm non thị trấn Lai Vung là nhờ ổng. Không có ổng, nó phải đi học xa hơn chục kilômét”.

Hai đoạn trích tôi chép lại nguyên văn từ bài báo “Đời thường của phi công anh hùng “Bảy Ruộng” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-9-2019.

Thời điểm đó các báo Việt Nam hầu như đều có bài viết về cuộc đời của phi công Nguyễn Văn Bảy, người được phong anh hùng vì có thành tích bắn hạ 7 máy bay Mỹ trong chiến tranh, người được xếp thứ 6 trong 19 phi công ACE của Việt Nam (thuật ngữ không quân chỉ những phi công bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên). Các bài báo đăng dồn dập vì ông Bảy, ở tuổi 84, được bác sĩ dự đoán khó qua khỏi sau một cơn đột quỵ nặng. Cả một thời gian dài hầu như không mấy người viết về vị anh hùng này cả, nhưng giờ ông sắp qua đời, nên có lẽ báo chí được chỉ đạo viết về tấm gương một người cộng sản chân chất. Vừa tri ân, tận nghĩa với ông, vừa là qua đó ca ngợi khéo chế độ. Kiểu ngụ ý chế độ phải tốt đẹp thế nào thì mới đào tạo ra một con người tốt đẹp như thế chứ!

Bài báo về anh hùng Nguyễn Văn Bảy trên báo Tuổi Trẻ
Bài báo về anh hùng Nguyễn Văn Bảy trên báo Tuổi Trẻ (Courtesy of Tuổi Trẻ)

Nhưng đọc những đoạn trích thượng dẫn mà tôi cám cảnh cho ông Bảy, và cho cả những ý định ca ngợi khéo kể trên. Ông Bảy chiến đấu giành lại tự do độc lập cho nhân dân, nhưng độc lập tự do rồi thì nhân dân của ông ngay cả đường cũng không có mà đi, điện cũng không có mà dùng, trẻ con đi học mầm non thì phải đi đến chục cây số.

Không phải người dân nơi ấy không có đường, điện do những khó khăn chung của một đất nước hậu chiến tranh, mà đơn giản họ bị bỏ mặc. Là vì một cá nhân ông Bảy bỏ tiền ra đổ đá làm đường đi được, hùn tiền làm đường điện được cho cả một xóm, thì số tiền ấy thấm béo gì với ngân sách nhà nước? Tại sao chiến tranh đã qua đi 50 năm, mà phải nhờ một ông Anh hùng tác động thì một em bé mới được đi học mầm non ở gần nhà?

Nếu không có ông Anh hùng nào mang tư cách cá nhân đứng ra thì dân vùng ấy tiếp tục chèo xuồng, thắp đèn dầu, và con nít mầm non phải đi hơn chục cây số mới đến được trường hay sao? Các cơ quan chính quyền, cái nào cũng gắn đuôi “nhân dân” đằng sau (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) bận việc gì mà để nhân dân của họ nheo nhóc vậy? Còn những Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp đâu, sao nỡ để một ông già 83 tuổi gánh luôn việc của họ? Và, còn những khổ sở nào nữa người dân chưa kịp khoe với nhà báo hay không?

Người dân chịu khổ là vì nhà nước địa phương không muốn làm. Không muốn làm vì những việc ấy không kiếm chác được. Có thế thôi!

Và đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ.

Người dân nói thật. Nhà báo cũng hồn nhiên thuật lại những lời ngợi khen, như đính thêm một tấm huân chương trên ngực người Anh hùng- tấm huân chương có tên “Giản dị, thương dân”. Báo chí tập trung khai thác khía cạnh gần dân của người anh hùng, cũng tranh thủ chửi xéo những vị quan chức đã không anh hùng mà gần dân cũng không nốt. Ai đọc cũng thích.

Nhưng tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Ở trường hợp ông Nguyễn Văn Bảy, những lời khen ngợi của dân “Nếu không có ông….” cũng chính là lời tố cáo bản chất cơ hội, vô ơn, xem dân như đầy tớ và của cái thể chế mà ông đã chiến đấu cho nó.

Ông Nguyễn Văn Bảy qua đời ngày 22-9-2019. Ở bên kia, không còn địch và ta, cũng không còn bài học chính trị nào ông phải học nữa. Nếu linh thiêng, xin ông phù hộ cho trên toàn thể đất nước Việt Nam này tất cả mỗi xóm nhỏ đều sở hữu một Anh hùng. Có như vậy bọn trẻ may ra mới được đi học mầm non gần nhà, ăn cơm có thịt dưới ánh điện và không phải chống xuồng đi học.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do