Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và tuyên bố về ‘‘kỷ nguyên mới”, “đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam”, thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng sẽ đổi mới cách lãnh đạo.
Trong bối cảnh tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống của quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng, chế độ toàn trị bởi độc Đảng CS đang trải qua những biến cố thay đổi nhân sự ‘rung động’ chính trường. Trong chiến dịch ‘đốt lò’ đã có hàng chục nghìn lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật và bị bỏ tù. Từ đầu nhiệm kỳ khoá 13 đến nay đã có bảy uỷ viên Bộ Chính trị bị miễn nhiệm và có bốn lãnh đạo tuyên thệ chủ tịch nước! Ông Nguyễn Xuân Phúc (5/4/2021-18/1/2023); Ông Võ Văn Thưởng (2/3/2023-21/3/2024); Ông Tô Lâm (22/5/2024- 10/2024) và ông Lương Cường - Tân Chủ tịch nước (21/10/2024 -)…
Sự chuyển tiếp quyền lực tối cao diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Đại hội 13 từ cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/7/2024 vì trọng bệnh, sang cho ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, người mà trước đó ‘ít ai nghĩ’ sẽ thừa kế. Ông Tô Lâm đã nhậm chức Chủ tịch nước ngày 22/5/2024 và, trở thành người ‘tạm quyền’, rồi ngay sau đó được Ban chấp hành Trung ương khoá 13 bầu làm tân Tổng bí thư ngày 3/8/2024.
Phần một
Khởi đầu ‘suôn sẻ’
Trên cương vị Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có khởi đầu 'suôn sẻ'. Sự đồng thuận ở thượng tầng Đảng CS phản ánh cách xử lý trong tình huống 'bất thường'. Là vị tướng cầm đầu ngành an ninh, một thời gian dài được củng cố bởi chiến lược an ninh chế độ [1] ông Tô Lâm có điều kiện cần để bảo vệ chế độ và duy trì quyền lực Đảng.
Tuy nhiên, trong suốt gần 40 năm Đổi mới từ 1986 chức vụ tổng bí thư luôn được quyết định trong đại hội Đảng toàn quốc và, người kế vị thường là, theo thông lệ, một trong ‘tứ trụ’ của Đảng: Tổng bí thư (tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai), Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp quyền lực lần này được cho là ‘bất thường’. Việc một Bộ trưởng Công an lên nắm quyền là sự kiện ‘chưa từng có’. Bởi vậy, mọi động thái cá nhân của vị tân tổng bí thư, ê-kíp của ông ấy, cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách, nhân sự và thể chế… sẽ được chăm chú ‘theo dõi.’ Ông Tô Lâm có những quyết định thế nào? Chương trình nghị sự đảng trị ra sao? Và, liệu cách mà hệ thống chính trị và người dân sẽ ‘tâm phục khẩu phục’ thế nào?
Trong bước khởi đầu quyền lực phải được củng cố bởi các quyết định nhân sự đổng thời với một chương trình nghị sự đảng trị. Tân tổng bí thư Tô Lâm đã sử dụng quyền ‘tuyệt đối’ của chế độ Đảng tập quyền, đã có những quyết định nhân sự nhanh chóng, vượt qua rào cản thủ tục, để củng cố quyền lực. Ông Tô Lâm quyết đoán bố trí những nhân sự thân tín, đồng hương Hưng Yên và đồng nghiệp an ninh vào các vị trí then chốt như các trợ lý, chánh văn phòng trung ương Đảng, Bộ trưởng công an… Việc bổ sung các uỷ viên Bộ chính trị cũng nhanh chóng hoàn tất. Ngoài ra, trong chế độ quyền lực tập trung việc triệu tập các Hội nghị trung ương hay Quốc hội bất thường cần thiết về thủ tục để thông qua các chức danh theo chế độ ‘đảng cử dân bầu’ cũng diễn ra đúng ‘ý Đảng.’ Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Tô Lâm đã phải chia sẻ quyền lực với ‘phái quân đội’ (ông ấy không kiêm chức chủ tịch nước) là cần thiết để ổn định lãnh đạo…
Mặc dù là chế độ tập quyền theo mô hình cũ nhưng duy trì nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo thì việc định hình chương trình nghị sự đảng trị trong nội bộ Đảng là một nguồn quyền lực quan trọng để khẳng định vị trí, đặc biệt đối với 'tân' lãnh đạo như ông Tô Lâm. Sau khi ông Vương Đình Huệ 'ngã ngựa', ông Trần Thanh Mẫn, người phó được cho là không 'sắc xảo' lên thay, đồng thời một số đại biểu, lãnh đạo ban của Quốc hội thường có ý kiến 'phản biện' như Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội "bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi," [2] thì việc Đảng 'lãnh đạo' Quốc hội đã 'tạm ổn'. Một loạt nhân sự Chính phủ như bổ sung, luân chuyển, bổ nhiệm thêm các phó thủ tướng, Chánh án Toà án, Viện kiểm sát, các bộ trưởng quan trọng như tài chính, tư pháp… Gần đây nhất, hôm 20/10/2024 Với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã ký quyết định thăng hàm Đại tướng cho ông Bộ trưởng Bộ CA Lương Tam Quang và Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương, [3] một động thái quyết đoán trước kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khoá 15 vào hôm sau, ngày 21/10, trong đó có nội dung bầu chủ tịch nước mới và nhân sự khác.
Sau khi công tác tổ chức ‘tạm ổn’ ông tân Tổng bí thư đã thiết lập một chương trình nghị sự ‘đối ngoại’ để khẳng định tính chính danh mà lễ nghi ngoại giao và các bản ghi nhớ, thậm chí ký kết chỉ là ‘phụ lục’. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay việc công nhận sự khác biệt chế độ chính trị vì tăng trưởng kinh tế quốc gia đã là ưu tiên nên các chuyên công du của vị chủ tịch nước kiêm tổng bí thư là cơ hội quảng bá. Trước hết, đó là những chuyến công du nước ngoài ‘đặc biệt’ dày đặc. Ngày 18/8/2024, ông đi Bắc Kinh và được tiếp kiến bởi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 20/9/2024 ông đi New York dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gặp Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden bên lề và có một số hoạt động khác. Sau đó ông Tô Lâm đến Cu Ba vào ngày 28/9... Tiếp theo là chuyến công du Mông cổ, CH Ai Len và Pháp của ông Tô Lâm từ ngày 30/9 đến 7/10, trong đó dấu ấn là nâng cấp quan hệ với Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện… Trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước, ngoài e-kíp lãnh đạo mới được trình diện, còn có đông đảo các cựu lãnh đạo Đảng, Chính phủ như bà Tòng Thị Phóng, nguyên Trưởng ban Dân vận và ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành uỷ Hồ Chí Minh… Họ là những người lan toả ảnh hưởng của Tổng bí thư…
___________
[ Ông Tô Lâm: "Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!"Opens in new window ]
[ Tướng quân đội Lương Cường được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nướcOpens in new window ]
____________
Chương trình nghị sự cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026, có ý nghĩa quan trọng cho nhiệm kỳ công tác năm năm của ông tân Tổng bí thư Tô Lâm. Năm 2025 Đại hội Đảng các cấp ở địa phương tỉnh, thanh cũng như ở các cơ quan trung ương phải hoàn tất cùng với các nhân sự lãnh đạo mới. Các văn kiện, báo cáo chính trị, báo cáo phát triển kinh tế xã hội trình Đại hội và đề án tổng kết 40 năm đổi mới… Tất cả đều dưới sự chỉ đạo của cá nhân ông và tập thể lãnh đạo.
Là nhà cai trị không thể không chú ý đến triết lý quyền lực làm cho người khác sợ đã khó nhưng làm cho người ta phục, người ta tin còn khó hơn. Đây là giai đoạn thử thách lớn hơn đối với vị tân Tổng bí thư. Có những biểu hiện cho thấy là người lãnh đạo thực dụng, cứng rắn. Những người đồng chí lãnh đạo dưới quyền ông có thể ‘sợ’ ông vì những lý do khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh Đảng cam kết tiếp tục chống tham nhũng ‘không ngừng nghỉ’ và tăng trưởng luôn gặp rào cản thể chế và thủ tục hành chính còn dung dưỡng công quyền, đặt gánh nặng lên người dân. Nhưng nếu họ phục ông những phản ứng đối phó sẽ giảm đi, chức trách được thực hiện hiệu quả… Hơn thế, đối với người dân khi họ tin vào hệ thống chính trị với những chính sách phát triển đúng đắn không chỉ mang lại sự thụ hưởng vật chất mà còn để họ có nhiều quyền tự do hơn, nhiều nguồn lực hơn để quyết định số phận của chính họ.
______________
Tham khảo:
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html;
- https://hanoimoi.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ong-le-thanh-van-671696.html;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-trao-quyet-dinh-thang-quan-ham-3-dai-tuong-thuong-tuong-119241020161650801.htm.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do