Kỷ nguyên mới” là “chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…” là “tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định” và “cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV…” Tân Tổng bí thư Tô Lâm là người khởi xướng cuộc cải cách để bước vào “kỷ nguyên mới” và Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) đang chuẩn bị xúc tiến cải cách thể chế ‘từ bên trên’.
Cả thực tế và nguyên lý đều chỉ ra hầu hết các chế độ tập quyền toàn trị bởi độc Đảng cộng sản có thay đổi ‘bất thường’, như sụp đổ hay cải tổ lớn, thường diễn ra ‘từ bên trên’, đỉnh tháp quyền lực, trong đó người đứng đầu đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Chế độ không thể thay đổi từ bên dưới, tình trạng trì trệ của hệ thống chính trị ngày càng nghiêm trọng, cản trở tăng trưởng kinh tế, nhưng cải cách thể chế “từ bên trên” liền được bắt đầu khi ông Tô Lâm “tiếp quản” cương vị người đứng đầu đảng ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ 13.
Bài viết đặt các vấn đề, một là, cải cách “từ bên trên” đã rất cấp thiết nhưng bị trì hoãn? Hai là, những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần này thế nào? Ba là, tân Tổng bí thư Tô Lâm thích hợp thế nào với cải cách? Bốn là, Liệu cuộc cải cách này có bền vững?
(I)
Cải cách “từ bên trên” đã rất cấp thiết nhưng bị trì hoãn?
Đúng vậy, cải cách thể chế "từ bên trên" đã rất cấp thiết từ thực tế sau 30 năm tiến hành Đổi mới, nhưng đã bị trì hoãn bởi tư duy giáo điều chủ nghĩa xã hội và sự lo ngại "Loạn mười hai sứ quân" [1] huỷ hoại sự thống nhất của Đảng.
Chế độ chính trị của Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) lãnh đạo, là một kiểu chủ nghĩa toàn trị, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lịch sử chế độ tập quyền phong kiến và giành độc lập dân tộc đồng thời với sự thăng trầm mô hình toàn trị thế kỷ 20 của Liên Xô. Tiếp theo, Việt Nam lại bị cuốn theo sự thay đổi mạnh mẽ của mô hình toàn trị kiểu Trung Quốc… Sau gần 40 năm, từ 1986 đến nay, đường lối Đổi mới của Đảng với phương châm “từ dưới lên”, cấp cơ sở và về kinh tế, nhưng khi sự suy thoái lớn dần, nguy cơ khủng hoảng ngày càng lớn bởi những mâu thuẫn chủ yếu giữa “hạ tầng cơ sở” và “thượng tầng kiến trúc” ngày càng trầm trọng… Tuy nhiên, cải cách “từ bên trên” đã được” ấp ủ” từ lâu nhưng sẽ vô cùng thách thức, kiểu như “ta đánh ta”, đòi hỏi điều kiện cần và đủ, trong đó có việc nắm bắt thời cơ. Xin nêu hai trường hợp điển hình minh hoạ.
Thứ nhất. Cách đây hơn bảy năm, ngày 19/2/2017, báo Công An Nhân dân (CAND) có bài viết của Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986) – nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong gần 30 năm trước Đổi mới. Bài viết có tựa đề "Nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai" [2] được coi là một chỉ dấu thay đổi nhận thức về "quan điểm cải cách và dân chủ", lần đầu tiên xuất hiện trên cơ quan ngôn luận của ngành công an. Sau đó Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã thực hiện cuộc phỏng vấn [3 ] với nhà báo Nguyễn An Dân làm rõ thêm một số chi tiết liên quan tới bài viết trên. Qua đó, một số điểm đã được làm sáng tỏ hơn. Trước hết, bài báo của ông Lê Kiên Thành cho thấy "lực lượng công an đang kêu gọi đổi mới" vì tờ báo Công an Nhân dân là cơ quan ngôn luận của ngành công an. Ngoài ra, đối với xã hội, nó cho thấy xu hướng đề kháng lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đó là xu hướng cần phải được thúc đẩy ở trong Đảng." Cũng theo ông Dân, đứng đầu ngành công an hiện nay là tướng Tô Lâm, đứng đầu lực lượng vũ trang hiện nay là chủ tịch nước Trần Đại Quang, là hai người có xu hướng "thân Mỹ" bên cạnh một số ủy viên Bộ Chính trị khác, thế nên việc ngành công an "bắt đầu chuyển hóa là điều tôi không ngạc nhiên."
____________
[ Liệu cuộc cải cách “từ bên trên” có bền vững?Opens in new window ]
[ Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?Opens in new window ]
[ Những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần hai thế nào?Opens in new window ]
____________
Về nội dung chủ yếu của bài viết “Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần hai”, ông Lê Kiên Thành cho rằng cuộc đổi mới “từ bên dưới” thực ra là “tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình.” Và rằng “chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản” (CNTB) và “hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước XHCN này.” Trong khi đó những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất của nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất,”… và là “gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền kinh tế thị trường của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.” Ngoài ra, ông Thành cũng ‘phê phán’ sự giáo điều về “định hướng XHCN” là “chưa rõ ràng” gây ra những tiêu cực. Hơn thế, ông đánh giá rằng chính nhóm lợi ích là rào cản của cuộc đổi mới lần hai, và chính những bất cập về thể chế tạo ra lợi ích nhóm. Đồng thời ông ấy đưa ra cảnh báo rằng một bộ phận bảo thủ trong đảng, “vừa có tiền vừa có quyền…, được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện tại, “chiếm tỷ lệ chừng 1/3 tổng số đảng viên” sẽ chống lại, nhưng ông Thành tin rằng dù “sẽ khó khăn hơn” nhưng “nhưng bằng cách này hay cách khác Đổi mới lần này… sẽ được ủng hộ.”
Bối cảnh của bài viết là ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng “trường hợp đặc biệt” vì quá tuổi theo quy định để tiếp tục nắm chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) trong cái gọi là cuộc cạnh tranh ‘sóng gió’ trong nội bộ đảng với ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Cạnh tranh quyền lực có thể tạo “khe cửa hẹp” cho sự cởi mở đối với xã hội và, đó là lý do bài báo được công bố trên trang báo chính thống của nhà nước.
Ngoài ra, nếu ‘tiết lộ’ của nhà báo Nguyễn An Dân có dù chỉ ‘một phần sự thật’ hoặc suy đoán cá nhân thì tính thời sự của bài báo do tiến sĩ Lê Kiên Thành sẽ còn ‘nóng’ hơn trong bối cảnh hiện nay khi ông Tô Lâm lên thay “bất ngờ” cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ thứ ba. Nhiều sự kiện, nhiều biến động ‘rung động’ về nhân sự đi kèm với suy đoán và thuyết âm mưu, nhưng yếu tố “bất ngờ’ dần được giải mã rằng sự kế vị này dường như đã có sự chuẩn bị từ trước đó cả thập kỷ!
Thứ hai. Mới đây, ngày 3/11/2024 bảy tổ chức xã hội dân sự trong nước và 32 cá nhân đồng ký thư kiến nghị [4] gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau Cải cách kinh tế năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng để "tạo điều kiện cho công chúng và các tổ chức xã hội có thể giám sát, ủng hộ và đồng hành cùng chế độ trong quá trình Đổi Mới". Ngoài ra, các nhân sĩ trí thức trong kiến nghị thư cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ tôn trọng cam kết về quyền con người, rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế, cũng như cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
Như thường lệ, những thư kiến nghị với chủ đề như vậy sẽ không được phản hồi. Có thể lần này có những lý do riêng để không ‘hồi đáp’, chẳng hạn do đặc thù về “sự tiếp quản” cương vị Tổng bí thư đảng và thời gian quá ngắn để có thể cụ thể hoá thành chương trình tổng quát. Tuy nhiên, điều chính yếu là từ bản chất của chế độ, theo đó chế độ toàn trị Đảng, nhà nước luôn quản lý, kiểm soát ‘dân chủ’ nghiêm ngặt từ cơ sở, “từ sớm từ xa” ngăn cản các quyền tự do cơ bản, được hiến định nhưng không áp dụng thực tế theo quy định của Đảng.
Kết luận khái quát của phần một này là dưới chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản mọi cải cách từ nhỏ đến lớn phải diễn ra “từ bên trên”, “bên trong” và quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam là con đường dài đầy cam go ở phía trước. Tuy nhiên, liệu lần cải cách lần này có là một bước tiến nhanh hơn trên con đường này.
_________
Tham khảo:
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Loạn_12_sứ_quân;
- https://cand.com.vn/So-tay/Sau-30-nam-nghi-ve-cuoc-doi-moi-lan-thu-hai-i422132/;
- https://www.voatiengviet.com/a/keu-goi-doi-moi-lan-2-moi-man-cho-tran-chien-trong-dang/3733481.html;
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-call-for-second-reform-to-settle-obstacles-11052024051651.html?fbclid=IwY2xjawGhRGRleHRuA2FlbQIxMAABHdSwZnn5Xf4AMLyCFCCTvwBnbP3azCHZFwtVifF4xd00hQXJnVoiGKV-CQ_aem_0T9seQPLiElJGu4KupCijw
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.