Biển Đông: Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc, ASEAN rụt rè

Nếu có thể khai thác sự tức giận tập thể ở Đông Nam Á về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, các quốc gia ASEAN sẽ được hưởng lợi từ sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ ở khu vực này.

“Bạn bè của kẻ thù của bạn chính là kẻ thù của bạn; còn kẻ thù của kẻ thù của tôi mới là bạn của tôi” là một câu ngạn ngữ nổi tiếng, và nó có thể đúng với những diễn biến tình hình hiện nay ở Biển Đông, nơi tất cả các quốc gia Đông Nam Á thấy rằng chủ quyền và lợi ích của họ đang phải đối mặt với mối đe dọa chung từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ các quốc gia có yêu sách đang bị đe dọa. Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, muốn bảo vệ lợi ích của tự do hàng hải và an ninh ở đó, khiến Biển Đông trở thành mối quan tâm lớn hơn nhiều, chứ không chỉ là các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia láng giềng.

Tuyên bố Biển Đông của Hoa Kỳ

Ngày 13/7/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố báo chí về quan điểm của nước này đối với các yêu sách ở Biển Đông do Ngoại trưởng Mike Pompeo ký. Tài liệu vắn tắt này đã nhắc lại chính sách trước đây của Mỹ về tranh chấp Biển Đông, đó là duy trì “tự do hàng hải, hòa bình và an ninh trong khu vực”. Một số người đọc tài liệu này cho rằng Mỹ đang tìm cách ủng hộ các nước Đông Nam Á có yêu sách ở vùng biển này, muốn can dự với bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến cuộc tranh chấp, với mục tiêu biến Trung Quốc thành mối đe dọa chung. Thực vậy, tài liệu này đã chọn cách trích dẫn công khai lời nói hồi năm 2010 của Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền khi nhìn vào mắt Ngoại trưởng Singapore trong một hội nghị diễn ra hồi đó: “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”.

Việc công bố tài liệu này có thể là một tín hiệu cho thấy Mỹ đang xem xét tranh chấp này một cách nghiêm túc hơn và có thể tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực tranh chấp này. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì đối với các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp biển Đông? và các nước này sẽ đạt được điều gì từ sự hiện diện quyết đoán hơn của Mỹ trong khu vực? Văn kiện vắt tắt mở đầu bằng cách viện dẫn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một nỗ lực mới nổi nhằm xây dựng quan hệ hợp tác của Mỹ với các nước khu vực trong bốn trụ cột chính: thịnh vượng kinh tế, quản trị tốt, an ninh và vốn con người.

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 26/2/2019
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 26/2/2019 (Reuters)

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo cũng đã gọi điện cho Ngoại trưởng một số quốc gia ASEAN, bao gồm:

- Với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (3/8): Hai bên thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Indonesia và sự tôn trọng chung của hai nước đối với luật pháp quốc tế tại Biển Đông, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và đảm bảo an toàn khu vực.

- Với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (3/8): Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định lại lập trường nhất quán của Singapore về Biển Đông: Singapore tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, và mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

- Với Ngoại trưởng thứ 2 của Brunei, Erywan Yusof (4/8): Ngoại trưởng Pompeo khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của Mỹ trước các hành động cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các yêu sách phi pháp tại Biển Đông.

- Với Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein (6/8): Ngoại trưởng Hussein nhấn mạnh rằng các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

  • Với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (6/8): Ngoại trưởng Pompeo đánh giá cao việc hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau cũng như chia sẻ tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; khẳng định Hoa Kỳ coi trọng và cam kết duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam. Ngoài ra, Ngoại trưởng Pompeo còn nhấn mạnh việc Hoa Kỳ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong việc đòi hỏi quyền chủ quyền cũng như lợi ích biển của các quốc gia này theo luật pháp quốc tế.

Sự hưởng ứng rụt rè của các nước ASEAN

Cho đến nay, phản ứng của các quốc gia ASEAN dường như rất rụt rè trước lập trường sự mạnh mẽ, quyết đoán của Hoa Kỳ. Đầu năm nay, Philippines, Việt Nam và Indonesia đã viện dẫn phán quyết Biển Đông của tòa trọng tải trong các đệ trình của họ gửi lên Liên hợp quốc sau đề xuất của Malaysia về mở rộng thềm lục địa. Còn Malaysia sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” cũng đã lên tiếng chỉ trích các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS của Trung Quốc nhưng cũng giữ im lặng đối với Phán quyết Biển Đông năm 2016.

Khi Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi điện cho Ngoại trưởng Indonesia tuần trước, ông đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á trong việc củng cố quyền chủ quyền và lợi ích của họ theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đáp lại lời kêu gọi của Ngoại trưởng Pompeo, Indonesia đã nhắc lại quan điểm trung lập của mình và nói rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ Indonesia là tình hình dịch bệnh COVID-19, đề cập đến việc hỗ trợ máy thở và theo đuổi vaccine. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc Indonesia khẳng định rằng lợi ích của họ là giữ vững hòa bình và an ninh khu vực.

Thay vì đưa ra quan điểm rõ ràng trong việc phản đối hay ủng hộ ý tưởng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Indonesia đã đi đầu trong việc đưa ASEAN vào cuộc đàm luận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN trong việc đảm bảo cạnh tranh khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc để không biến thành đối đầu. ASEAN làm như vậy với hy vọng điều này có thể trở thành một tầm nhìn chung cho các nước thành viên khi vai trò của khối này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng lên.

Hình minh họa. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna hôm 8/1/2020
Hình minh họa. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna hôm 8/1/2020 (AFP)

Indonesia lâu này được coi là một "nhà môi giới" trung thực trong tranh chấp ở Biển Đông. Điều quan trọng, Indonesia không phải là quốc gia có yêu sách đối với bất kỳ hòn đảo hay thực thể hàng hải nào ở Biển Đông. Indonesia về cơ bản chia sẻ với Mỹ mục tiêu đơn giản là duy trì hòa bình và an ninh khu vực, cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông, chứ không phải là lợi ích vật chất về lãnh thổ hay các mục tiêu chiến lược khác. Tuy nhiên, việc Indonesia không phải là một bên có yêu sách trong tranh chấp này nên khiến nước này không leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Kể từ năm 2016, “Đường chín đoạn” bất hợp pháp đã gây ra căng thẳng lớn giữa Indonesia và Trung Quốc, và nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã đến vùng biển Bắc Natuna của Indonesia một cách bất hợp pháp. Vì rõ ràng là một bên liên quan hợp pháp trong cuộc tranh chấp, nhưng động cơ của Indonesia ít có khả năng tư lợi hay đẩy căng thẳng lên cao, nước này có thể giữ một vị trí hữu ích duy nhất là giúp các bên ngồi vào bàn đàm phán, một điều có thể được thúc đẩy bởi sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực do những mục tiêu chung của họ. Rõ ràng, lợi ích của Indonesia là nhằm đảm bảo tất cả các nước trong tranh chấp bao gồm Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, và điều này phù hợp với những do ngại mà Mỹ nêu ra trong thông cáo báo chí.

Ngày 6/8, Ngoại trưởng Pompeo cũng gọi điện cho Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam. Tờ Báo Chính phủ - Cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Việt Nam khi tường thuật về sự kiện này đã lảng tránh lời khẳng định sẽ hậu thuẫn các quốc gia ASEAN trong việc thực hiện quyền chủ quyền và bảo vệ các lợi ích biển của Ngoại trưởng Pompeo. Lời khẳng định này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã đe doạ các quốc gia như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Indonesia khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này, với lý do các khu vực này nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Năm 2017 và 2018, chính phủ Việt Nam thông qua tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) yêu cầu công ty Repsol phải ngưng hoạt động khai thác tại các lô 136.3 và 07.3, dẫn đến Việt Nam đã thiệt hại hàng tỉ USD với việc ngưng khai thác này. Mới đây, nghe phong phanh Việt Nam tiếp tục thuê giàn khoan thăm dò của tập đoàn Noble với ý định tiếp tục khai thác mới tại lô 06.1, nhưng dưới sự đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam đã đành rút lui sau khi trả hàng chục triệu USD tiền thuê giàn khoan mà không hoạt động này.

Mặc dù các lãnh đạo các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh rằng sẽ cố gắng không“chọn bên” giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy vậy, các quốc gia này cần gắn mục tiêu của mình với mục tiêu của Mỹ ở Biển Đông. Với việc lên tiếng của cả một nhóm lớn các quốc gia, chứ không chỉ riêng một quốc gia đơn lẻ, điều đó có thể giúp các nước ASEAN tránh khỏi áp lực của Trung Quốc. Nhưng nếu các nước Đông Nam Á tiếp tục hành động cùng các đối tác của mình ở khu vực, với một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ trên Biển Đông, thì có thể gây sức ép với Trung Quốc buộc nước này phải tuân theo luật pháp quốc tế. Với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ trong khu vực, sẽ khiến gia tăng sức ép lên Trung Quốc, mặc dù không trực tiếp mang lại lợi ích cho các nước có yêu sách, nhưng có thể kết hợp với hành động ngoại giao tập thể để ngăn chặn Trung Quốc hành động như một cường quốc khu vực thống trị Biển Đông bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do