Ngày 23/2/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CS) đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tại đó ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, đã phát biểu yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập cần "quán triệt sâu sắc và thống nhất cao" một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm, trong đó cần nắm vững và xử lý tốt 'bốn kiên định' (1) . Đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giới quan sát chính trị không khó để nhận thấy rằng “bốn kiên định” nêu trên đều xoay quanh chủ đề ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ nghĩa Mác - Lênin mà Đảng CS cần phải biện minh, bảo vệ nó để duy trì chế độ toàn trị. Và, chính cá nhân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo cộng sản ‘kiên định’ theo đuổi và thực hành CNXH, vận dụng trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Ngoài ra, trong sự nghiệp thăng tiến quyền lực, nắm giữ cương vị lãnh đạo tối cao của Đảng lâu nhất trong lịch sử Đảng, từ Đại hội 11 năm 2011 đến nay, ông Trọng còn được ca ngợi là nhà lý luận chính trị, từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ông Trọng không những tin tưởng vào các giá trị lý tưởng của hệ tư tưởng này mà còn được cho là có đóng góp cho công tác lý luận của Đảng CS.
Tình hình quốc tế đa cực phức tạp, diễn biến nhanh và khó lường ảnh lớn hơn đến tình hình trong nước khi cải cách chuyển đổi thị trường đang gặp khó khăn thì lĩnh vực tư tưởng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị để duy trì chế độ. Trước thực trạng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng – Nhà nước đối diện với nhiều thách thức và kinh tế ảm đạm thì yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó việc biện minh cho ý thức hệ CNXH giáo điều, được đặt ra hết sức cấp bách hòng ngăn chặn xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của quan chức chế độ. Đó là quan điểm cho rằng sau khi mô hình Xô - viết sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc nhưng CNXH vẫn đang tiếp tục như một làn sóng tiếp nối mang tính lịch sử. Dưới đây trình bày sự biện minh này diễn ra thế nào.
Mặc dù "làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội" là vấn đề mới còn tranh luận về nguyên tắc học thuật và cần thời gian thử nghiệm trong thực tế nhưng khi nhận thấy nó sẽ mang lợi ích cho Đảng CS, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi 'tiên phong' trong việc bảo vệ nó. Gần đây ông ấy cho đăng hai bài viết về chủ đề này. Một là, "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" (2) (đầu năm 2024) nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng CS VN; hai là, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (3) (năm 2021) nhân dịp kỷ niệm 35 năm công cuộc Đổi mới. Tiêu đề bài viết đã phản ánh nội dung bên trong. Điều hiển nhiên rằng chế độ nào mà lại không tự cho mình là tốt đẹp! Và, vì thế phải bảo vệ nó, tuy nhiên, bài viết thứ hai về chủ nghĩa xã hội đã khiến giới nghiên cứu chú ý, không phải bởi những phát hiện 'mới' về lý luận hay thực tiễn, mà bởi vì nó gắn với cái gọi là "làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội."
Liền ngay sau bài viết nêu trên của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên trang điện tử của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CS Việt Nam, có đăng bài "Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới ở Việt Nam" bằng hai thứ tiếng Việt (4) và Anh (5) của Tiến sĩ Michael Brie - Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Viện Rosa Luxemburg của Đảng Cánh tả Đức. Tác giả bài viết cho rằng, đường lối Đổi mới do Đảng CS khởi xướng năm 1986 đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển chủ nghĩa xã hội không chỉ ở Việt Nam. Khác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, Việt Nam đã "kết hợp thành công" trong việc chuyển đổi sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội với sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng CS đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo cho đa số người dân. Điều đó "rõ ràng đã trở thành một phần của phong trào lịch sử thế giới và có thể được gọi là làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội."
Trong bài viết, Tiến sĩ Michael Brie đã cho rằng chủ nghĩa xã hội hiện đại cùng tồn tại với chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng có “lịch sử dài… hơn 250 năm”. Chủ nghĩa xã hội ra đời để khắc phục những bất cập trong chủ nghĩa tư bản mà nó không thể tự sửa chữa. Và, những ‘môn đệ’ theo chủ nghĩa xã hội đã được đặt ra vấn đề tổ chức lại xã hội, trong đó chủ nghĩa Mác nổi lên với một cơ sở khoa học hình thành “các phác thảo về quá trình chuyển đổi sang một xã hội hậu tư bản trong thực tế.” Đó là Làn sóng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, sự hình thành lý thuyết và chính trị của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang phát triển trên quy mô toàn cầu trong thế kỷ 19.
Làn sóng thứ hai được cho bắt đầu sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917. Những người Bolshevik đã khẳng định quyền lực của họ và đưa Liên Xô vào con đường hiện đại hóa công nghiệp, chiến thắng phát xít Đức, thành lập phe xã hội chủ nghĩa và duy trì vị thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phương Tây. Trong suốt hơn 70 tồn tại, từng đã chứng tỏ khả năng là “một ứng cử viên nghiêm túc” chống lại chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội đã không thể duy trì sự cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản và rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Căn nguyên, theo lời của TS. Michael Brie, các nước trong hệ thống XHCN sụp đổ vì “bị cuốn vào làn sóng chủ nghĩa tự do mới.”
Làn sóng thứ ba của CNXH, còn gọi chủ nghĩa xã hội 3.0, và sự ra đời của nó được giải thích là do chủ nghĩa tư bản khi phát triển “đến giới hạn của hệ thống” đã bước vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc: khủng hoảng về sinh thái, nền tảng tự nhiên của cuộc sống con người, lý tưởng bị huỷ hoại, sự bóc lột không tương thích với dân chủ… Theo Michael Brie, đây là hệ quả của sự tăng giàu có xã hội nhờ lợi thế vốn (tư bản) được tích lũy để giải phóng tiềm năng sản xuất, mà theo C. Marx đây là chỉ là "sự cần thiết tạm thời", nhưng dưới chủ nghĩa tư bản đã khiến tự do cá nhân phát triển quá thái. Trái lại, khi hệ thống Xô Viết sụp đổ, không còn đối thủ cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản bành trướng ra thế giới từ lợi thế nêu trên, thì các nước như Việt Nam đã nắm bắt ‘thời cơ’, thu hút vốn tư bản để chuyển đổi nền kinh tế thị trường để phát triển quốc gia mà vẫn duy trì được chế độ toàn trị.
Cách tiếp cận của TS. Michael Brie về làn sóng thứ ba của CNXH chịu ảnh hưởng bởi một lập trường chính trị trung tâm giữa trung hữu và trung tả và được gọi là "Con đường thứ ba" (6) (Tiếng Anh:The Third Way). Nó kết hợp các chính sách kinh tế tự do kinh tế và dân chủ xã hội cùng với các chính sách xã hội trung tả. Nó hỗ trợ công việc thay vì phúc lợi, các chương trình đào tạo công việc, cơ hội giáo dục và các chương trình khác của chính phủ cung cấp cho người dân "cái cần câu thay vì con cá". Con đường thứ ba tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa một hệ thống kinh tế ít can thiệp hơn được hỗ trợ bởi những người theo chủ nghĩa tân tự do và chính sách chi tiêu dân chủ xã hội theo trường phái Keynes được hỗ trợ bởi các nhà dân chủ xã hội và những người tiến bộ. Tuy nhiên, trên "Con đường thứ ba" thì chủ nghĩa xã hội "từ trên xuống" bị bác bỏ, nhưng nội dung này đã cố tình bị lờ đi để lập luận cho sự tồn tại của nó.
________________
Tham khảo:
(5) https://en.nhandan.vn/the-third-wave-of-socialism-and-renewal-in-vietnam-post104131.html ;
(6) https://en.wikipedia.org/wiki/Third_Way;
* Bài viết không thể hiện qua điểm của Đài Á Châu Tự Do