Một cách diễn giải khác về làn sóng thứ ba của CNXH đã không được đề cập công khai trong các tài liệu nghiên cứu khoa học thể chế chính trị ở Việt Nam. Xuất hiện cùng thời gian, trong năm 2021, với bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở Trung Quốc trên tạp chí Wenhua Zongheng (Tiếng Trung: 文化纵横và tiếng Việt: Khía cạnh văn hoá), số 3 tháng 6 năm 2021 một bài viết có tiêu đề "Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội" (7) (Tiếng Trung: 社会主义的第三次浪潮 và Tiếng Anh: The Third Wave of Socialism) của tác giả Dương Bình (Yang Ping, 杨平). Đây là một tạp chí tập trung vào việc xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi của xã hội Trung Quốc trong khi luôn dương cao khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội và tác giả là một học giả, biên tập viên hàng đầu trong cộng đồng văn hóa và tư tưởng đương đại của Trung Quốc.
Theo ông Dương Bình, cách phân loại về thời gian và nội hàm tương tự TS Tiến sĩ Michael Brie, như đã trình bày trong phần một. Cách đặt vấn đề của họ đều xuất phát từ các bất cập của chủ nghĩa tư bản, trong đó ở làn sóng thứ nhất của CNXH, về cơ bản, do bóc lột sức lao động, bất bình đẳng giữa giai cấp tư sản và công nhân, ở làn sóng thứ hai xã hội chủ nghĩa với mô hình Xô - viết như một giải pháp thay thế, đã thử nghiệm và thất bại, và hiện nay, làn sóng thứ ba của CNXH đang bắt đầu từ những khủng hoảng của CNTB, trong đó mô hình Trung Quốc nổi lên như một điển hình.
Mô hình này cam kết ‘kiên trì’ chủ nghĩa xã hội đồng thời theo đuổi chính sách cải cách và mở cửa, dần dần khám phá một con đường được gọi là chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của Trung Quốc. Về cơ bản, đây là sự kết hợp của một nền kinh tế thị trường vào hệ thống xã hội chủ nghĩa, dần dần hình thành một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Như đã biết, sau hơn ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân năm hai con số, đang trở thành một lực lượng quan trọng định hình lại trật tự thế giới.
Trong bài viết của mình ông Dương Bình luận cứ mô hình Trung Quốc vẫn là chủ nghĩa xã hội mặc dù mang những đặc điểm riêng có. Với sự linh hoạt của chính sách cải cách và mở cửa, chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc đã hình thành như một con đường phát triển khác biệt với cả chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô truyền thống và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do cổ điển. Với những điều ‘kỳ diệu’, đặc biệt về kinh tế Trung Quốc đang ‘tự tin’ trên sân khấu thế giới. Tuy nhiên đây không phải là một mô hình tĩnh và sự thử nghiệm hơn bốn thập kỷ ở Trung Quốc, một số đặc điểm chủ yếu có thể được xác định như là những bài học kinh nghiệm.
Trước hết, sự phát triển của lực lượng sản xuất phải được coi là ưu tiên. Giới lãnh đạo đã dám học hỏi từ các hình thức kinh tế hợp lý của chủ nghĩa tư bản và cho phép sự phát triển của nền kinh tế tư nhân để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng sản xuất tiên tiến. Việc hình thành một cơ cấu sở hữu hỗn hợp được ‘định hướng’ bởi tầm nhìn và kế hoạch chiến lược trong các lĩnh vực chính; Hai là, sự hội nhập chặt chẽ nền tảng kinh tế XHCN và quan hệ sản xuất với nền kinh tế thị trường để dần thiết lập một hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Ba là, trong khi mở cửa và hội nhập với hệ thống tư bản toàn cầu, việc duy trì chủ quyền quốc gia và đảm bảo bản chất xã hội chủ nghĩa của Đảng CS, cảnh giác trước nguy cơ đi chệch hướng về chủ nghĩa tư bản được chú trọng; Bốn là, nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bất bình đẳng thông qua phát triển, coi phát triển kinh tế là con đường chính để giải quyết các vấn đề công bằng xã hội; Năm là, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ cở hạ tầng nông thôn, được thúc đẩy để cân bằng sự bất bình đẳng giàu có trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Và, sáu là, duy trì vị trí lãnh đạo của Đảng đồng thời với khắc phục lợi ích cục bộ trong một số lĩnh vực…
Tiếc rằng những "đặc điểm CNXH Trung Quốc" không được thảo luận công khai ở Việt Nam để cải thiện các chính sách cải cách. Điều này không tốt cho phát triển! Thiếu vắng đa nguyên và một số vấn đề 'nhạy cảm' khác như tranh chấp biên giới, lãnh hải là những nguyên nhân chính. Ngoài ra, không loại trừ nhà cầm quyền lo ngại trước thái độ "Sinophobia" (8) hay "tâm lý bài Trung" nói chung và trong một bộ phận người dân Việt nói riêng có thể dẫn đến quá khích gây bất ổn xã hội.
Tương lai “Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội’, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là một phần thiết yếu với mô hình Trung Quốc là cốt lõi, như thế nào vẫn đang là câu hỏi lớn về tầm nhìn thế giới trong giới tinh hoa chính trị và học thuật. Ở Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao năm 2012 và, “chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc” được nâng lên thành “tư tưởng Tập Cận Bình”, mô hình đang lung lay dữ dội, tốc độ tăng trưởng đang giảm sút nhanh chóng, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-2019, do khủng khoảng cấu trúc, giảm phát, khủng khoảng bất động sản, nợ công và nợ địa phương, già hoá dân số, vốn đầu tư nước ngoài chuyển khỏi đất nước, bẫy nợ từ con đường tơ lụa, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, phản ứng của các nước phương Tây trước các vấn đề dân chủ, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, tự do hàng hải quốc tế, quốc nạn tham nhũng …
Ứng phó trước những thách thức nêu trên chế độ Đảng CS toàn trị đang điều chỉnh theo xu hướng quay lại mô hình kiểu Mao, 'hoàng đế đỏ' Tập Cận Bình đã cho sửa Hiến pháp của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa để có thể cai trị suốt đời, hiện ông ấy đang ở nhiệm kỳ thứ ba. Đáng lo ngại là ở Việt Nam nhiều động thái diễn ra tương tự, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần là "nhân sự đặc biệt" (9) đểvượt qua những quy định của Điều lệ Đảng, tiếp tục lãnh đạo Đảng, mặc dù tuổi cao và sức khoẻ là "bí mật nhà nước" (10) nhưng ông vẫn là lãnh đạo không thể thay thế. Các nhà phân tích chính trị cho rằng liệu mô hình Trung Quốc tiếp tục thách thức chủ nghĩa tư bản và các nền dân chủ thế nào? Sự tác động và thu hút sự chú ý toàn cầu của mô hình sụt giảm ra sao? Liệu nó còn có thể cung cấp các lựa chọn mới cho các quốc gia đang phát triển? Và câu hỏi quan trọng nhất là Việt Nam cam kết "chia sẻ tương lai" với Trung Quốc liệu có thể tìm được lối rẽ riêng để phát triển?
Quay lại với giới hạn chủ đề bài viết, dù sao 'bốn kiên định' trên đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu đối với giới tinh hoa “cung đình” là đổi mới những gì và như thế nào trong năm năm tới bằng những chính sách dựa trên luận cứ thuyết phục để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và thực trạng kinh tế - xã hội phức tạp ở trong nước. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi thị trường trong những năm qua cho thấy ‘điểm nghẽn’ lớn nhất đối với hoạch định chính sách là ý thức hệ CNXH không còn phù hợp mà chế độ dựa vào, trong đó cải cách thể chế là “đột phá chiến lược” nhưng đã không thể đột phá, thậm chí nhiều thể chế quan trọng đã cải cách đã ‘dễ dàng’ bị vượt qua bởi các hành vi “tham nhũng” của các quan chức Đảng – Nhà nước. Tư tưởng dẫn dắt hành động, và rõ ràng ý thức hệ đang có vấn đề nghiêm trọng, không còn phù hợp với thực tế, vì vậy, trước hết, câu hỏi lớn đặt ra là “kiên định CNXH” thế nào để thích hợp với thực tế phát triển?
Tham khảo:
(7) https://thetricontinental.org/wenhua-zongheng-2023-4-third-wave-of-socialism/;
(8) https://en.wikipedia.org/wiki/Anti-Chinese_sentiment;
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.