Sau khi nổi lên với tư cách là “nhà lãnh đạo trọn đời” của Trung Quốc và ra sức lấp đầy đội ngũ thân tín của mình vào các cơ quan hàng đầu của đảng như Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Bộ Chính trị, nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã phải liên tục hứng chịu những thách thức mà ông gọi là “sóng to gió lớn” trong nỗ lực giữ cho “con thuyền Trung Quốc” khỏi bị nhấn chìm. Tuy nhiên, liệu nhà lãnh đạo tối cao và Bộ Chính trị mới thành lập của ông có thể tự xử lý những thách thức này hay không vẫn còn là điều đáng ngờ.
Quản lý yếu kém thảm họa lũ lụt ở Trung Quốc
Trận mưa và lũ lụt khủng khiếp xảy ra ở tỉnh Hà Bắc khiến khoảng một triệu người phải di dời và ít nhất 30 người thiệt mạng một lần nữa cho thấy khả năng quản lý đáng ngờ của Chính quyền Tập Cận Bình. Thiệt hại do trận mưa như trút nước hôm 31/7, được cho là nghiêm trọng nhất trong 140 năm qua, đã trở nên càng trầm trọng hơn sau quyết định mở cửa xả lũ không báo trước tại các hồ chứa, đập tràn gần thủ đô Bắc Kinh và thành phố công nghiệp lớn Thiên Tân nhằm giảm sức ép lũ lụt ở các siêu đô thị này. Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng) đã bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội vì nói rằng ông sẽ làm mọi cách để giảm “sức ép kiểm soát lũ của Bắc Kinh và kiên quyết biến tỉnh này thành ‘con hào’ cho thủ đô”. Nói cách khác, hàng chục triệu công dân sống gần Bắc Kinh và Thiên Tân phải chịu thiệt hại để cứu hai trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước.
Trong khi đội cứu hộ từ các đơn vị chính thức chậm đến hiện trường, các đoàn cứu trợ do tình nguyện viên ở các thành phố và thị trấn lân cận lại bị ngăn tiếp cận những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thiếu giấy tờ cần thiết và chưa nhận được sự chấp thuận của các quan chức ở Hà Bắc, Bắc Kinh và Thiên Tân. Tập Cận Bình – trên cương vị Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Tổng tư lệnh quân đội – đã không đến thăm các địa điểm bị tàn phá cũng như không đưa ra các biện pháp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt khôi phục kế sinh nhai. Thay vào đó, ông đã đến khu nghỉ mát bên bờ biển Bắc Đới Hà gần đó để chủ trì một loạt phiên hoạch định chính sách không chính thức với các ủy viên Bộ Chính trị và cố vấn hàng đầu của ông.
Sự thiếu quan tâm không thể chối cãi của nhà lãnh đạo tối cao đối với số phận của người dân thường Trung Quốc cũng như sự thiếu minh bạch trong các biện pháp chống lũ của chính phủ đã được so sánh với cách nước này xử lý đại dịch COVID-19 trong giai đoạn 2020-2022. Chính phủ không tham vấn người dân về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc, cũng không đưa ra được phương án hiệu quả nhằm đảm bảo thực phẩm hoặc thuốc men cho cư dân bị bỏ lại trong các thành phố bị phong tỏa. Thông báo dỡ bỏ tất cả các biện pháp chống dịch vào ngày 7/12 cũng khiến cả nước bất ngờ.
Những vụ biến mất bí ẩn
Thảm họa lũ lụt xảy ra sau vụ bê bối mang tầm quốc tế: sự “biến mất” bí ẩn của Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang), 59 tuổi, và thay thế ông là người tiền nhiệm Vương Nghị (Wang Yi), nhân vật từng được đề bạt vào vị trí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách ngoại giao. Tần Cương vốn nổi tiếng do được Tập Cận Bình chống lưng và nhờ đó đã thăng tiến vượt bậc. Lần “ngã ngựa” này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích và cũng mang lại ấn tượng xấu về khả năng nhận định của Tập Cận Bình. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thập kỷ qua vốn nổi tiếng về cuộc chiến giữa các quan chức cấp cao. Vương Nghị và Tạ Phong (Xie Feng), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tương đương cấp bộ trưởng, không cùng quan điểm với Tần Cương. Sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã không thể ngăn chặn những mâu thuẫn nội bộ giữa các quan chức hàng đầu Bộ Ngoại giao, điều này có tác động xấu đến hoạt động ngoại giao của Trung Quốc.
Sau Tần Cương là sự biến mất cũng bí ẩn không kém của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.
Cuộc thanh trừng triệt để hiện đang diễn ra trong PLARF – lực lượng quân sự phụ trách tên lửa và các loại vũ khí liên lục địa tinh vi khác – đã được Tập Cận Bình khởi xướng vào cuối năm 2015. Mặc dù Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh “vai trò lãnh đạo tuyệt đối” của đảng đối với quân đội, nhưng tỷ lệ khá cao sĩ quan PLA vẫn tham nhũng, không trung thành với đảng (và với Tập Cận Cận Bình). Tư lệnh PLARF, Tướng Lý Ngọc Siêu và một số cấp phó của ông đã bị cách chức hồi tháng 6. Với Tập Cận Bình, sự quan tâm lớn nhất của ông ta là sự trung thành với cá nhân ông hơn là năng lực chuyên môn. Cho đến nay, các đơn vị chống tham nhũng đều chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về những sai lầm của Tướng Lý Ngọc Siêu và cấp dưới của ông ta.
Tập Cận Bình nổi tiếng là nhà lãnh đạo coi trọng lòng trung thành và không ngừng đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong khu vực công và tư nhân, thậm chí còn được xem là cách để loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố vị thế trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và căng thẳng gia tăng với Mỹ về thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan.
Quốc hội Trung Quốc cũng đã miễn nhiệm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Vương Chí Cương và Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn. Thay thế lần lượt là ông Âm Hòa Tuấn và ông Lam Phật An. Hệ thống chính trị và pháp luật của Trung Quốc thiếu minh bạch càng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi về khả năng tham nhũng, nhược điểm cá nhân hoặc bất hòa với các nhân vật quyền lực khác là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các quan chức hàng đầu.
Các báo cáo về tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong một bộ phận PLA do Tập Cận Bình thành lập, kết hợp với sự biến mất không rõ nguyên nhân của Tần Cương, đã đặt ra những câu hỏi hệ trọng về khả năng quản lý của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình thường được mô tả là một người mạnh mẽ giống như Mao Trạch Đông, với những "nịnh thần" vây quanh. Các nhà quan sát quốc tế và Trung Quốc đều biết rõ rằng mặc dù Tập Cận Bình nổi tiếng vì đã đề ra những kế hoạch lớn như "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), nhưng ông lại biết rất ít về những chi tiết thực chất của các chính sách quản trị cơ bản.
Việt Nam đang đi theo vết xe đổ
Mô hình Trung Quốc đang gặp khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ. Thế nhưng, Việt Nam - quốc gia cộng sản láng giềng của Trung Quốc lại được cho là đang xem xét học tập mô hình của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế.
Reuters ngày 25/10 dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền và các nhà môi giới Việt Nam đang tìm cách học hỏi mô hình từ Trung Quốc để có thể tăng cường thị trường tài chính của mình.[1]
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam lại đến ngay từ trong những “căn bệnh thể chế” của quốc gia này.
Sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ, kinh tế Việt Nam đang gặp những thuận lợi. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng ở châu Âu, châu Mỹ giảm và quy mô sản xuất đang thu hẹp, khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh. Điều này chính là do tác động từ chính sách friendshoring của Mỹ. Giám đốc một tập đoàn điện tử Đài Loan tại Việt Nam cho biết: "Khách hàng yêu cầu rõ là 'đặt nhà máy tại Việt Nam' và đe dọa sẽ ngừng đơn hàng nếu không làm theo. Làm sao chúng tôi có thể không tuân thủ được?"[2]
Vấn đề là, Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn do chính thể chế của quốc gia này mang lại. Tham nhũng và cơ sở hạ tầng yếu kém là những rào cản lớn nhất. Bộ máy hành chính vẫn trì trệ, kéo theo tình trạng các dự án hạ tầng bị đình trệ. Số lượng các nhà sản xuất ở miền Bắc tăng mạnh khiến lưới điện quá tải. Hơn nữa, điều từng được coi là lợi thế – lực lượng lao động trẻ, thì giờ lại là mối lo ngại ngày càng lớn của các tập đoàn sản xuất. Một rào cản lớn nữa là việc phân bổ lực lượng lao động không cân xứng. Trong khi 60% dân số Việt Nam sinh sống ở miền Nam thì phần lớn hoạt động sản xuất lại đổ vào miền Bắc, gây ra sự chênh lệch cung cầu lao động rõ rệt.
Những căn bệnh của Việt Nam cũng là những căn bệnh trầm kha của Trung Quốc. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng: Việt Nam phải thừa nhận rằng thách thức lớn nhất không phải là các thế lực bên ngoài mà là chính là sự yếu kém nội tại.[3]
Thay vì tìm cách giải quyết những vấn đề nội tại của mình, Việt Nam lại đi học hỏi từ một mô hình chuẩn bị sụp đổ. Liệu điều ấy có giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để phát triển?
_________
Tham khảo:
[1] https://www.reuters.com/markets/asia/vietnam-eyes-china-model-seek-index-upgrade-boost-investment-2023-10-25/
[2] https://english.cw.com.tw/article/article.action?id=3542
[3] https://english.cw.com.tw/article/article.action?id=3542
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do