Viva Vượng Vin đại đế, TUY NHIÊNNNNNNN….

Người tiêu dùng Trần Văn Hoàng là công dân Việt Nam. Theo luật Việt Nam, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Đào tám kiếp cũng chẳng ra cái luật nào cấm người tiêu dùng thắc mắc về sản phẩm cả, thế thì dựa vào cái quyền gì VinFast bắt họ gỡ bỏ clip?

Quần thần của Đại đế lú lẫn rồi.

Có hai lý do:
Lý do thứ nhất: Việt Nam còn có một đạo luật có cái tên rõ ràng dễ hiểu là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ luật này được Quốc hội Việt Nam khóa 12, kỳ họp thứ 8 thông qua vào ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.

Trong đó, khái niệm đáng lưu ý đầu tiên là “hàng hóa có khuyết tật”. Bộ luật quy định:

“Hàng hóa có khuyết tật” là “hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: a) Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật.

Rất rõ ràng dễ hiểu phải không thưa bác Vượng?
Vậy thì, theo các định nghĩa của luật pháp Việt Nam, chiếc xe VinFast mà anh Hoàng chủ kênh GogoTV đã mua có chứa các khuyết tật sau đây:
1. Cảm biến áp suất bánh xe báo sai.

2. Cần gạt nước hoạt động tùy tiện không kiểm soát.

3. Cần gạt xi nhan không ăn.

4. Sạc không dây không ổn định.

5. Cửa xe có tiếng động lạ.

6. Xe có tiếng động lạ khi đạp thắng.

7. Có voucher nghỉ dưỡng được tặng khi mua xe nhưng không dùng được.
8. Xe mua 4 tháng, đi 8.000 km, lỗi lặt vặt liên tục, đi bảo hành rất nhiều lần nhưng nhân viên bảo hành làm khó, bảo hành xong về vẫn nguyên lỗi.

Đến đây tôi xin đặt ngược lại vấn đề một chút.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói gì?
Có khi nào anh Trần Văn Hoàng chủ ý chơi xấu VinFast nên cố ý can thiệp vào chiếc xe chuẩn, ngụy tạo ra những lỗi vốn không có thật để khoa trương và qua đó hạ uy tín của VinFast hay không?
Đây cũng là luận điểm của phía VinFast, thể hiện trong nội dung post trên fanpage của họ như dưới đây:

vinfast2021a.jpeg

Cứ cho rằng nghi ngờ này là có cơ sở. Vậy thì căn cứ theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã dẫn phía trên, bên doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu người mua xe chứng minh lỗi khuyết tật của sản phẩm dưới sự chứng kiến của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, báo chí và truyền thông xã hội, cơ quan Trọng tài và các bên thứ ba khác có chuyên môn về kỹ thuật xe hơi. Đảm bảo với sự tinh tường của các bên chứng kiến này, mọi lỗi ngụy tạo (nếu có) sẽ được bóc ra bằng sạch. Ai đúng ai sai rõ ràng. Khi đó, nếu thực sự nhà xe bị hại để hạ uy tín, cả luật pháp và xã hội đều sẽ đứng về phía họ, chủ xe bóc phốt sml và thị trường của doanh nghiệp tại Mỹ cũng sẽ tươi sáng hơn.

Bộ luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rất rõ 4 lựa chọn để người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng khi có bất hòa về chất lượng sản phẩm. Đó là thương lượng, hòa giải, trọng tài (nhờ cơ quan trọng tài thương mại giải quyết) và cuối cùng mới tới tòa án. Ba phương án đầu đều đề cao sự thỏa thuận và cố gắng thu hẹp nhất có thể mức độ cồng kềnh của sự việc.
Thực tế cho thấy trong tuyệt đại đa số trường hợp, doanh nghiệp đều chọn ba phương án đầu. Đó là vì lợi ích của nó quá rõ ràng: càng giải quyết nhanh chóng, riêng tư, nội bộ, càng ít người biết thì uy tín của doanh nghiệp càng được bảo toàn hoặc ít bị ảnh hưởng xấu nhất.

Thế nhưng VinFast đã không chọn những phương án hòa bình như trên mà chọn biện pháp khiến cả thế giới sửng sốt: bắt khách hàng gỡ bỏ clip (tức là rút lại những trải nghiệm xấu của mình về sản phẩm), cho biết đã gởi đơn tố cáo đến công an và “công an sẽ mời khách hàng đến làm việc".

Lý do thứ hai: Nhưng có công an nào đi làm việc thuê cho VinFast như thế?

Đọc nội dung phản hồi của VinFast về vụ việc GogoTV, chắc người học luật nào ở Việt Nam cũng phải cười lăn cười lộn, xỉu up xỉu down. Nói trắng ra, đây là nội dung dọa ma trẻ con không hơn không kém.
Lớn hết rồi, đem luật ra mà chơi nhé các anh!

Nào chúng ta phân tích sương sương:

Nhà xe kết luận clip “có nội dung không đúng sự thật”: Theo luật, muốn kết luật nội dung không đúng sự thật thì phải chứng minh, theo quy trình như trên kia người viết đã nói rõ. Đằng này, chưa ai đi kiểm tra, đối chứng nhưng nhà xe đãkết luận như thật. Vậy biên bản giám định, kiểm nghiệm chứng minh clip đó không đúng sự thật ở đâu, vui lòng trình cho người tiêu dùng được biết. Nếu không trình được, tức là không có.

Nhà xe kết luận “Hành vi của ông Hoàng gây hoang mang cho người dùng gây thiệt hại cho uy tín và vật chất của thương hiệu VinFast, đồng thời gây hoang mang cho các khách hàng khác của hãng”.

news2may5.png
Hình chụp màn hình: Anh Trần Văn Hoàng bên cạnh chiếc xe VinFast của mình

Ái chà, nhà xe ơi, câu này hở hang lắm nghe! Muốn tố cáo một người trước pháp luật không dễ đâu. Phải thu thập đủ bằng chứng bao gồm hành vi cố ý gây thiệt hại và hậu quả đã xảy ra (ở đây là việc review xe của GogoTV và hậu quả được cho rằng là hạ uy tín, gây thiệt hại cho VinFast, gây hoang mang cho khách hàng). Tiếp đó phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu là việc phạm pháp thì mới xài từ "tố cáo"được đó nha VinFast ơi, còn ở đây đang là thắc mắc của khách hàng cơ mà? Dùng từ sai rồi nhé.
Và hơn hết, ở đây khách hàng review xe của họ cơ mà? Giả sử họ có đập xe, đốt xe đi nữa thì VinFast cũng chưa được có cái quyền nhảy vào đâu. Xe đã là của người ta, người ta đã bỏ tiền tỷ ra mua, người ta có toàn quyền đối xử với nó nhé VinFast. Các anh quyền gì cấm người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm tiêu dùng của họ với sản phẩm? Chẳng có cái quyền nào sất, nói nhanh cho vuông.

Còn nếu bảo tại sao người tiêu dùng không chọn nửa đêm thanh vắng quay sang thì thầm với vợ rồi tha hồ mà càm ràm cái xe, mà lại quay clip đem lên cho cả thế giới xem, thì câu trả lời đây: Ai cấm?
Người tiêu dùng Trần Văn Hoàng là công dân Việt Nam. Theo luật Việt Nam, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Đào tám kiếp cũng chẳng ra cái luật nào cấm người tiêu dùng thắc mắc về sản phẩm cả, thế thì dựa vào cái quyền gì VinFast bắt họ gỡ bỏ clip?

Nội dung trên fanpage là trò mập mờ câu chữ mang nặng tính hăm dọa: "Chúng tôi đã tố cáo ra cơ quan công an. Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng ra làm việc".
Người đọc xin đọc kỹ giùm và hiểu cho đúng. "Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo" không có nghĩa "Công an xác nhận nội dung đơn tố cáo là đúng" đâu nhé (tức VinFast đúng, ông Hoàng sai). Ai đúng ai sai, xin quay lại quy trình pháp luật như đã nói trên.

Còn “công an có lịch mời ông Hoàngra làm việc”. Có lịch thì sao? Công an là cơ quan bảo vệ pháp luật của đất nước. Công dân đến làm việc với công an để thực hiện quyền được bảo vệ trước pháp luật là hoàn toàn bình thường và văn minh. Làm việc với công an để xem xem anh tố cáo có đúng không, người bị tố cáo có vi phạm luật hình sự không, nếu có thì đã đủ khởi tố chưa hay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.. v.v … đó là quy trình thông thường. Nhưng cái ngầm ý trong câu chữ của VinFast thì cứ như ông Hoàng sắp bị bắt đến nơi rồi ấy. Dọa dẫm quá đi mất!

Người kinh doanh có một câu nằm lòng “Hòa khí sinh tài”. Xin tặng các anh, miễn phí.

Nhân đây cũng tốt bụng xin mách nước với VinFast: các anh chọn luật sai lè ra. Kiện cáo với khách hàng trước tiên phải dùng luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ, cùng lắm là Luật Dân sự, sao lại sân si mang Luật hình sự ra đây?

Nếu tôi là đại diện cơ quan công an được nhắc đến trong văn bản của VinFast, tôi sẽ nghiêm túc chấn chỉnh bộ phận truyền thông của họ một bài. Công an không phải đi làm thuê cho nhà anh, đừng chơi trò ú òa từngữ ở đây để hạ thấp uy tín chúng tôi, gây thiệt hại về uy tín cho chúng tôi và khiến người dân hoang mang, rõ chửa?

Cuối cùng, kết luận

Clip của GogoTV về bản chất chẳng hề khác vô số các clip review sản phẩm đang được thực hiện mỗi ngày về mọi sản phẩm đang lưu hành trên quả đất này: nào cá kho có dòi, nào bánh ngọt có gián, nào hàng quảng cáo và hàng mua về khác nhau, nào “đập hộp”, “trên tay” các sản phẩm điện tử nổi tiếng (Đập hộp và Trên tay là tên hai chuyên mục review sản phẩm điện tử rất nổi tiếng ở Việt Nam, của trang Tinhte.com)… Nhưng, trong khi các thương hiệu bị khách hàng phát hiện lỗi đều nhanh chóng kiểm tra, sau đó nhận lỗi (nếu có) và bồi thường cho khách hàng thì chỉ riêng VinFast chơi trò riêng một góc trời. Trình độ hiểu biết pháp luật của bộ phận truyền thông VinFast quá kém, còn bản lĩnh hành xử thì quá tồi. Thua cả một bà bán cá kho ở chợ Hà Nội.

Xin mượn comment của một người dùng mạng xã hội facebook Việt Nam, tặng VinFast câu slogan mới sau đây:
"Mua xe- tặng lịch" (để khách hàng ngồi tù, bóc chơi).
Nhân đây xin kính gửi bác Vượng. Cháu nghe nhân viên cũ của bác nói "giờ bác sống không vì tiền nữa, nếu bác biết sản phẩm mình có vấn đề thì bác đào cả tổng VinFast lên giết hết", cháu rất kính phục. Mong bác xem lại vụ việc này, và thân tâm an lạc xử lý mọi việc cho đúng luật, có lý, có tình. Tiên trách kỷ hậu trách nhân bác nhỉ? Người Việt Nam mà, ai cũng có tự hào dân tộc, nếu sản phẩm của bác tốt ngang ngửa sản phẩm ngoại cùng phân khúc thì ai mà chẳng ủng hộ, cháu nói thế có phải không bác?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.