Kinh tế Việt Nam đang ở vào thời kỳ tăng trưởng khó khăn. ‘Góc khuất’ tăng trưởng bởi các yếu tố phi thị trường đang phản ánh thực trạng này. Tăng trưởng kinh tế là sự kết hợp ‘bí ẩn’ bởi nhiều yếu tố không chỉ kinh tế mà cả về thể chế có vai trò ngày càng quan trọng, có liên quan đến nhau và, từ góc nhìn thể chế, chính sách chúng được phân chia tương đối thành hai nhóm yếu tố thị trường và phi thị trường. Trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế yếu tố thị trường đang dần là xu hướng nhưng chưa thể là giải pháp thay thế đủ mạnh và bền vững. Thể chế chính trị là rào cản. Và, đây có lẽ là nguyên do vì sao Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường mặc dù cải cách đã trải qua gần 40 năm.
Những yếu tố phi thị trường có cội nguồn từ mô hình tăng trưởng với đặc trưng chế độ toàn trị tiến hành chuyển đổi kinh tế sang thị trường đồng thời vẫn duy trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản (CS). Đó là sự can thiệp của Đảng – Nhà nước vào kinh tế không những chỉ với tư cách người đại diện nguồn lực công, tài nguyên và đất đai mà còn dựa vào các thể chế mang tính pháp trị, bỏ qua quyền cơ bản của công dân. Như một trường hợp điển hình, ‘góc khuất’ tăng trưởng biểu hiện rõ rệt trong lĩnh vực địa ốc vì sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước quản lý. Ngoài ra, tự do kinh doanh bị ‘giới hạn’ bởi quyền lực khiến các doanh nghiệp chi phí cao vì phải hối lộ để có thể tiếp cận với các nguồn lực.
Xu hướng quay lại mô hình khai thác để tăng trưởng nhằm đối phó với thực trạng khó khăn này cần được cảnh báo. Việc khám phá các ‘góc khuất’ tăng trưởng hàm ý công cuộc cải cách thị trường để tăng trưởng cần phải thay đổi.
Xu hướng tăng trưởng kinh tế khó khăn dần bộc lộ từ trước đại dịch COVID-19, khủng khoảng trong đại dịch với tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 chỉ là 2,91% và, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Mặc dù với nhiều giải pháp giải cứu tăng trưởng sau đại dịch nhưng sự phục hồi vẫn 'ỳ ạch', trồi sụt. Trong Báo cáo [1] mới cập nhật của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, thì GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 đến 2023, lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12% và 3,41%.
Thực tế cho thấy, rằng các báo cáo chính thức của chính phủ, thậm chí cả cách nhìn nhận của một số nhà kinh tế trong đánh giá cũng như "dự cảm" [2] về thực trạng hay triển vọng kinh tế thường dựa trên quan niệm 'ngầm định' là kinh tế ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Về nguyên lý, cách tiếp cận 'truyền thống' này cho biết tăng trưởng kinh tế dựa vào ba động lực chủ yếu là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu với cơ cấu gồm ba nhóm ngành: (1) công nghiệp, xây dựng cơ bản, (2) nông lâm nghiệp, thuỷ sản và (3) dịch vụ. Trong đó, khu vực (1) đóng góp 41,68%; khu vực (2) đóng góp 6,09% và khu vực (3) đóng góp 52,23% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế hay GDP…
Thiếu vắng các nguyên tắc thị trường luôn khiến các nhà nghiên cứu, quan sát nghi ngờ về độ tin cậy của số liệu thống kê và, trong chế độ Đảng CS toàn trị khi tăng trưởng là sự đảm bảo tính chính danh thì các chỉ tiêu tăng trưởng thường nghiêng về hướng thổi phồng thành tích. Trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhiều chỉ tiêu, trong đó có GDP, và các phương pháp thống kê chúng vốn là thuộc tính của thị trường nhưng khi vận dụng chúng để tính toán các số liệu chứa đựng ‘sai số’ bởi các yếu tố phi thị trường, phản ánh không thực chất bản chất vấn đề hay các hoạt động kinh tế. Dù bỏ qua ‘đặc điểm’ này thì trong bức tranh toàn cảnh như trong Báo cáo nêu trên ‘tính chất thị trường’ của nền kinh tế vẫn bị ‘che khuất’, ‘vô tình’ hoặc ‘cố ý’ và, chúng cần phải được chỉ ra để cải thiện các giải pháp chính sách cải cách nói chung và chính sách tăng trưởng nói riêng.
Thế nào là một kinh tế thị trường là một chủ đề rộng. Về nguyên lý, kinh tế thị trường được hiểu khái quát là một hệ thống kinh tế, trong đó người dân, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước ba vấn đề: sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai; hoạt động kinh doanh của họ dựa vào quy luật cung - cầu và chính phủ, chính quyền không can thiệp và nếu có thì ở mức tối thiểu, chẳng hạn, đối với các nước phát triển cần thiết khi thị trường thất bại và, đối với các nước chuyển đổi trong đó có Việt Nam vai trò của chính phủ là “kiến tạo” các nguyên tắc thị trường.
Để chỉ ra các góc khuất của tăng trưởng, trước hết, xin nêu ra đây một vài nguyên tắc chủ yếu của thị trường. Đó là: Tự do kinh doanh; Sở hữu tư nhân; Động cơ lợi nhuận; Cạnh tranh bình đẳng; Người tiêu dùng tự quyết. Thiếu vắng những nguyên tắc này kinh tế vận hành không thể suôn sẻ. Trong quá trình cải cách thể chế ở mức độ nào đó và với cách tiếp cận “từ dưới lên” Chính phủ Việt Nam đã từng bước dần kiến tạo ra và củng cố một nền kinh tế thị trường bằng cách như: Thiết lập luật pháp và trật tự; Xác định các quy tắc về tài sản; Quản lý các quy tắc trao đổi; Thiết lập các tiêu chuẩn thị trường; Cung cấp hàng hóa công cộng; Tạo ra một lực lượng lao động; Cải thiện các yếu tố bên ngoài; Và, thúc đẩy cạnh tranh… Tuy nhiên, việc nhấn mạnh quá thái rằng ‘chúng ta sẽ không có một nền kinh tế thị trường nếu không có đảng, nhà nước’ vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, sự giáo điều “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bao trùm chính sách và trở thành lực cản cải cách. Hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội đối nghịch với thị trường khi được biện minh để duy trì chế độ, rằng thị trường là sản phẩm “chung” của nhân loại, nghĩa là không là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản, vì vậy việc áp dụng là có thể trong xã hội chủ nghĩa!
Nhưng quan niệm về kinh tế thị trường không chỉ tồn tại sự khác biệt về bản chất chế độ mà còn về các nguyên tắc cơ bản vốn có của thị trường mà việc công nhận một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không phải dựa vào. Đảng CS Việt Nam khẳng định đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa, tự coi là một bộ phận của làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội [3] và, việc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là 'bình thường' trong khi thiếu vắng các nguyên tắc chủ yếu của thị trường trong khi Mỹ coi đây là các căn cứ xác định. Đây không hẳn là lý do duy nhất nhưng có liên quan tới câu hỏi vì sao Chính phủ Việt Nam gặp 'khó khăn' trong nỗ lực vận động Hoa Kỳ để được công nhận là nền kinh tế thị trường, đặc biệt từ khi quan hệ giữa hai nước được nâng cấp cao nhất thành đối tác chiến lược toàn diện cuối năm 2023, trong đó nhấn mạnh sự công nhận sự khác biệt chế độ chính trị của nhau.
Mặc dù Đảng CS Việt Nam coi cải cách thể chế là “khâu đột phá chiến lược” nhưng không thể triển khai ‘đúng ý đảng’ trong thực tế điều hành kinh tế. Như đã biết, phương châm “Chính phủ kiến tạo” trong nhiệm kỳ cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2016-2021) đã phá sản. Liệu có kỳ vọng các nguyên tắc thị trường có được tạo mới hay cải thiện dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính (2021-2026) để được các nước phát triển, Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
(Còn nữa)
* Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do
Tham khảo