Trung Quốc nghĩ gì về quan hệ Việt - Mỹ

Quan hệ Việt - Mỹ gần đây đã có những bước chuyển lớn. Tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 15-17/8/2021. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Kamala Harris từ khi giữ chức Phó Tổng thống Mỹ.

Việc các quan chức cao cấp của Nhà Trắng liên tiếp ghé thăm Việt Nam cho thấy vị trí của Việt Nam ngày càng được coi trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên trước sự thân thiết ngày càng tăng giữa hai quốc gia từng là hai cựu thù trước đây. Sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ được giới quan sát chú ý đến khá nhiều, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Hồi tháng 4, hai tác giả Derek Grossman and Paul S. Orner đã công bố một nghiên cứu về thái độ của các học giả Trung Quốc đối với mối quan hệ Việt - Mỹ. Nghiên cứu này dựa vào các báo cáo thường niên của Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), một tổ chức tư vấn chiến lược gắn liền với Quốc vụ viện Trung Quốc. Các nguồn tài liệu này thể hiện những nhận định của các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nội dung chính của nghiên cứu này có thể được tóm tắt như sau:

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nóng lên trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các quốc gia tầm trung như Việt Nam ngày càng cảm thấy áp lực khi phải đứng trước lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc. Không chỉ là láng giềng phương Bắc hùng mạnh hơn nhiều, Trung Quốc còn từng là người bạn thân thiết nhất nhưng cũng là kẻ thù lớn nhất của Việt Nam. Mỹ là nước hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, và cũng là nước vẫn đang cùng Việt Nam xây dựng lại lòng tin lẫn nhau sau Chiến tranh Việt Nam. Là nước từng có trải nghiệm tiêu cực về liên minh trong Chiến tranh Lạnh và thực hiện chính sách không liên kết, Việt Nam có lẽ sẽ không chọn đứng về phe nào trong hai cường quốc này. Tuy nhiên, thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông đã khiến Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác an ninh.

Góc nhìn của các học giả Trung Quốc về chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với hai cường quốc Mỹ, Trung thời gian vừa qua có thể chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn từ 2005-2009: Việt Nam giữ vững lập trường

Thời gian này, Trung Quốc tương đối lạc quan rằng ảnh hưởng của họ đối với Việt Nam vượt xa ảnh hưởng của Mỹ vì ba lý do chính. Một là, giới phân tích Trung Quốc cho rằng căng thẳng Trung-Việt chỉ là vấn đề nhỏ. Phần lớn họ đều tin rằng hai nước có thể giải quyết các vấn đề xoay quanh việc phân định ranh giới trên bộ và chủ quyền trên biển thông qua đối thoại và trao đổi. Hai là, mục đích rõ ràng của cải cách chính trị ở Việt Nam là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và mặc dù giới phân tích Trung Quốc đã nhận thấy sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng những nỗ lực này dường như tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế nhằm đảm bảo Việt Nam có thể tiếp cận thị trường và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ba là, giới phân tích Trung Quốc nhận thấy rằng Việt Nam không quan tâm đến việc kiềm chế hay đối trọng với Trung Quốc. Khi các nhà ngoại giao Việt Nam nỗ lực giải quyết những vấn đề từ lâu đã gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và các nước Đông Nam Á khác, giới phân tích Trung Quốc cho rằng Việt Nam sẽ không liên kết với bất kỳ nước nào – chiến lược từng khiến lợi ích của Việt Nam bị ràng buộc với lợi ích của một Liên Xô mà cuối cùng đã sụp đổ.

Mặc dù quan hệ an ninh không gia tăng với tốc độ tương tự như quan hệ kinh tế, nhưng giới phân tích Trung Quốc đã nhận thấy hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt đến một mức độ nhất định.

Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc hầu như không có lý do để tin rằng quan hệ an ninh Việt-Mỹ đang được cải thiện đáng kể. Quan điểm cho rằng Việt Nam sẽ từ bỏ chính sách quốc phòng “Ba không” – không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với nước này để chống nước kia – dường như không có cơ sở.

Đối với giới quan sát Trung Quốc, điều này chứng tỏ động cơ của Việt Nam chủ yếu là kinh tế, và Hà Nội không muốn trở nên quá phụ thuộc vào bất kỳ một nước lớn nào.

001_1E2211_JPEG.jpg
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông. AFP

Giai đoạn 2009-2013: Trung Quốc thử thách quan hệ với Việt Nam

Giai đoạn này quan hệ Việt - Trung đã có những khủng hoảng bước đầu. Điều này khởi đầu vào tháng 5 năm 2009 khi Trung Quốc gửi công hàm lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.

Lúc này Việt Nam nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không vì “tình hữu nghị” với Việt Nam mà xuống thang các yêu sách như “đường lưỡi bò”chiếm khoảng gần 90% biển Đông, nhưng dựa trên các quyền lịch sử chứ không phải luật pháp quốc tế.

Chính vì thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực nên đầu những năm 2010, Việt Nam đã tăng cường mua sắm khí tài quân sự, nhất là sau vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012. Việt Nam cũng bắt đầu tăng cường năng lực giám sát, tuần tra và triển khai sức mạnh ở biển Đông.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Việt Nam có khả năng tiến hành các hoạt động cường độ thấp nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình, cho dù những hoạt động đó trên thực tế không thể giúp Việt Nam đối trọng với Trung Quốc. Quan hệ Việt-Trung vừa mang tính hợp tác, vừa mang tính cạnh tranh. Điều này cũng đúng với quan hệ Việt-Mỹ. Quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam tuy được tăng cường nhưng vẫn bị hạn chế bởi những mâu thuẫn căn bản về văn hóa chính trị giữa hai nước. Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Hà Nội năm 2010, giới quan sát Trung Quốc lưu ý rằng việc Mỹ tiếp tục gây sức ép trong vấn đề cải cách dân chủ và nhân quyền, cùng với những vấn đề còn sót lại từ Chiến tranh Việt Nam, đã cản trở Việt Nam chuyển hướng sang Mỹ, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng Trung-Việt leo thang.

Giai đoạn 2014-2021: Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông

Từ năm 2014 đến nay, có hai nhận định khái quát chi phối các phân tích của Trung Quốc về định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 được xem là bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương và có lẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những tổn hại về ngoại giao và kinh tế khi đối phó với các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Thứ hai, Việt Nam tiếp tục mua sắm các thiết bị quân sự hiện đại, mà phần lớn trong số đó rõ ràng nhằm tăng cường khả năng giám sát và hoạt động trên biển.

Tuy nhiên, trái ngược với những đánh giá lạc quan của Bắc Kinh trong những năm 2000, ngoại giao Việt Nam không chỉ đơn giản là một phương tiện phục vụ các mục tiêu kinh tế. Việt Nam cũng đang tiếp cận các quốc gia khác để tăng cường hợp tác an ninh và đáp ứng nhu cầu về đào tạo và trang thiết bị phục vụ quá trình hiện đại hóa quân đội của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc nhìn chung nhận định rằng tình hình kinh tế và khoảng cách về năng lực giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn cản Việt Nam trực tiếp thách thức hoặc duy trì thế cân bằng với nước này. Thương mại song phương năm 2015 đạt hơn 66 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mức 100 tỷ USD; trong đó, ngành chế tạo của Việt Nam đặc biệt phụ thuộc vào thiết bị và máy móc của Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng nhận ra rằng Việt Nam đang tích cực hợp tác với các quốc gia khác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phản ứng trước mọi hành vi xâm phạm lợi ích của mình.

2014-05-16T120000Z_1479681895_GM1EA5G1GVS01_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA.JPG
Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam hôm 15/5/2014. Reuters

Giờ đây, các nhà phân tích Trung Quốc có vẻ đã chấp nhận thực tế rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Họ nhận ra rằng bản chất của các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông sẽ buộc Việt Nam phải tiếp cận Mỹ và các đối tác trong khu vực. Hơn nữa, những mối quan hệ này sẽ mở rộng từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực an ninh. Tuy vậy, các nhà phân tích Trung Quốc vẫn cho rằng tình hình địa chính trị của Việt Nam cơ bản vẫn không thay đổi. Theo họ, quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai gần nhìn chung sẽ tiếp tục khăng khít hơn. Tuy nhiên, vì những lý do kinh tế và địa chính trị, Việt Nam không thể bỏ qua tầm quan trọng của thương mại và đầu tư Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam sẽ không phải là tâm điểm của chiến lược tái cân bằng sang châu Á mà sẽ chỉ có vị trí và vai trò nhất định trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong tương lai gần, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam khó có thể có những thay đổi cơ bản.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc chắc hẳn đã trở nên lo lắng sau khi những hành động của họ ở biển Đông khiến Việt Nam phải tìm cách thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc tiếp tục cho rằng Việt Nam và Mỹ chỉ có thể hợp tác tới một mức độ nhất định do thực tế địa chính trị và do hai nước không có ý thức hệ và giá trị chung. Đối với họ, mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc quan trọng tới mức Việt Nam không thể mạo hiểm làm rạn nứt quan hệ song phương và cũng không có cách nào để thoát khỏi thực tế rằng hai nước có chung đường biên giới. Trong bối cảnh thương mại Việt-Trung lấn át thương mại Việt-Mỹ và không có lý do gì để tin rằng xu hướng này sẽ thay đổi, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam. Cũng theo nhận định của các nhà quan sát Trung Quốc, khó có thể hình dung một Việt Nam không phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Việt Nam sẽ “yên phận” hay sẽ thay đổi?

Cách nhìn nhận về khả năng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam như vậy cho thấy sự “tự tin” của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chính sự lệ thuộc quá lớn của Việt Nam vào Trung Quốc đã dẫn đến lý do để Trung Quốc“yên tâm” về Việt Nam như vậy. Hồi tháng 3, trong khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “sẽ không theo các nước khác chống lại Trung Quốc”.

Một nhà ngoại giao Việt Nam có nhận xét: “Muốn có hoà bình thì phải duy trì tốt quan hệ với Trung Quốc, nhưng muốn có phát triển thì phải thúc đẩy quan hệ với Mỹ”. Nhiều người cho rằng, áp lực từ Trung Quốc khiến Việt Nam e dè không dám đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, nhưng bản thân từ phía Trung Quốc, chưa chắc họ đã quá lo ngại trước sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ. Chính vì thế, trở ngại có thể nằm trong chính tư duy của lãnh đạo Việt Nam, chứ không phải từ đâu khác.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.