Biểu hiện rõ rệt nhất của bất ổn chính trị là khủng hoảng nhân sự Đảng liên quan đến tham nhũng và thanh trừng phe phái. Đây chỉ là ‘trích đoạn’ của câu chuyện dài về tha hoá quyền lực qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng trong quá trình chuyển đổi thị trường và, thời kỳ dài cầm quyền của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là điểm nhấn. Thị trường là không thể đảo ngược nhưng di sản ‘dở dang’ của ông về việc thâu tóm quyền lực để chống tham nhũng sẽ thế nào khi nghịch lý quyền lực vẫn căng thẳng?
(II)
Nghịch lý quyền lực: Tập quyền vs Thị trường, Đảng vs Chính phủ
Thời Đổi mới làm phong phú thêm cách tiếp cận với quyền lực. Cách mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giành được quyền lực là một quá trình diễn biến ‘thầm lặng’ trong bối cảnh cải cách toàn diện đất nước, trong đó chuyển đổi sang kinh tế thị trường là một đặc trưng nổi bật. Trong quá trình này sự thống nhất trong Đảng như trong thời kỳ chiến tranh đã nhanh chóng bị sói mòn theo xu hướng chia tách giữa Đảng và Chính phủ, trong đó quyền lực Đảng ‘yếu đi’ và quyền lực Chính phủ ‘mạnh lên.’ Về nguyên lý, đó là sự phân công lao động quản lý theo chức năng. Kinh tế tập trung cần có chế độ tập quyền nhưng kinh tế thị trường cần thiết một chế độ tản quyền thích ứng. Tất cả được thể hiện trong quyền lực của mỗi đời người đứng đầu cao nhất của chế độ đảng toàn trị, trong đó nguyên tắc tập thể lãnh đạo chi phối.
Tính từ khi Đổi mới năm 1986 Đảng đã trải qua các thời kỳ lãnh đạo của các đời tổng bí thư: Nguyễn Văn Linh (1986-1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001); Nông Đức Mạnh (hai nhiệm kỳ 2001-2006 và -2011); Nguyễn Phú Trọng (2011-19/72024). Để dễ theo dõi những trình bày bên dưới xin nêu ở đây các đời thủ tướng tương ứng trong thời kỳ này: Phạm Hùng (1987-1988), Đỗ Mười (1988-1992), Võ Văn Kiệt (1992-1997), Phan Văn Khải (gần hai nhiệm kỳ: 1997-2002 và – 6/2006), Nguyễn Tấn Dũng (2006-2011 và -2016), Nguyễn Xuân Phúc (2016-2021) và Phạm Minh Chính (2021 – nay.)
Những năm liền sau Đổi mới thật khó khăn để vừa giữ chế độ vừa ‘dò đá qua sông’ để xoá bỏ bao cấp, kế hoạch hoá tập trung đồng thời chuyển đổi thị trường, trong đó hai ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã là đại diện tiêu biểu. Trong khi ông Võ Văn Kiệt được ngợi ca là Thủ tướng của Đổi mới, dám nghĩ dám làm, vì dân vì nước. Lãnh đạo tập quyền, Đảng không muốn nhấn mạnh sự ‘vượt trội’ đi quá xa.
Đến thời ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã thấy bộc lộ dấu hiệu bất ổn vì tham nhũng. Thực hiện chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng chỉnh đốn Đảng, ông ấy nêu những luận điểm 'công phá'. [1] Trong Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), ông Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng: "Sau gần ba năm kể từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996 đến nay, chúng ta đã phải thi hành kỷ luật 60.000 đảng viên, trong đó, khai trừ 11.000, có 1.108 người bị xử tù… Nếu Đảng không thấy được những yếu kém ấy, không tập trung, không kiên quyết khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả, thì rất có thể Đảng sẽ ngày càng tự biến chất, xa rời bản chất cách mạng của Đảng."Nếu không "khắc phục được", "nhất là về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống cũng như về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nó sẽ đưa đến nguy cơ tự hủy mình hay không?" [2]
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ điểm xuất phát là vị tướng quân đội, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã 'quá cứng rắn' trong cải cách. Và khi ông mắc phải một số sai lầm như hỗ trợ và cất nhắc những người 'đồng hương' và 'đồng đội' thân cận vào những vị trí quan trọng [3] , 'chần chừ' cải tổ doanh nghiệp nhà nước hay, bãi bỏ 'chế độ cố vấn' 'đụng chạm' các lãnh đạo tiền nhiệm. Và, khi xảy ra bất ổn ở Tây Nguyên vào năm 2001 đúng dịp Đại hội đảng 9 ông đã không được Đảng bầu để tiếp tục ở nhiệm kỳ sau. Nguyên tắc tập thể đã ngăn ông ấy sử dụng 'quá thái'. Nó cũng xác định người được lựa chọn tiếp theo là ông Nông Đức Mạnh, nguyên chủ tịch quốc hội hai khoá 9 và 10, từ 1992-2001. Trong dân gian dí dỏm gọi là ông "trí nông, đức mạnh", xuất hiện như một ứng viên "thỏa hiệp" và các vị lão thành Đảng cho rằng họ có thể kiểm soát được ông ấy. Thực tế ông ấy là hiện thân cân bằng quyền lực giữa cái gọi là hai phe 'chuyên trách đảng' và 'chính phủ kỹ trị.' Với 'thành tích' chống tham nhũng mờ nhạt, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tại vị đầy đủ hai nhiệm kỳ 10 năm trong khi phái chính phủ mạnh lên có xu hướng 'lấn át' quyền lực đảng cùng với những biểu hiện 'quá thái' vật chất và số đông tham nhũng chính trị. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải được cho là 'hiền lành' và biết lắng nghe cố vấn nhưng đã 'từ nhiệm' không rõ lý do trước một năm khi nhiệm kỳ kết thúc.
Thay thế ông Khải là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó 49 tuổi, được coi là ‘trẻ’ dưới con mắt của các lãnh đạo lão thành. Họ ủng hộ ông ấy vì quá trình rèn luyện cách mạng, quân đội, công an, hơn thế, từng trải qua thực tế ở nhiều vị trí lãnh đạo kinh tế. Khi làm thủ tướng phát ngôn từ “quyết liệt” ở nhiều diễn đàn, nhiều nơi vừa thể hiện phong cách lãnh đạo vừa phản ánh cách điều hành. Tăng trưởng nhanh nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểu các ‘chaebol’ Hàn Quốc nhưng sở hữu nhà nước!, là sai lầm chính sách, dẫn đến bất ổn kinh tế, cả mức tăng suy giảm và cơ cấu lệch lạc. Nạn tham nhũng trầm trọng, mang tính hệ thống trong đó đa số quan chức ‘hưởng lợi’ đã giúp ông Dũng vẫn tại vị đủ hai nhiệm kỳ, trong đó có một nhiệm kỳ dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011-2016).

Bởi vậy, ông Nguyễn Phú Trọng bước vào nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) như ‘một nhà quản trị khủng hoảng.’ Mặc dù cách ông ấy được Đảng chọn làm tổng bí thư với tiêu chuẩn tương tự như người tiền nhiệm nhưng ông Trọng quyết định sứ mệnh “cứu Đảng”. Với nền tảng lý luận về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kiên định chủ nghĩa xã hội ông ấy nhận thấy sự suy thoái ý thức hệ của đảng, tình trạng hối lộ tràn lan, tham nhũng ở khăp hệ thống quan chức, đặc biệt ở bộ máy hành pháp, chính phủ và sự trỗi dậy của các “lãnh địa” cá nhân của các nhà lãnh đạo với các công ty nhà nước và tư nhân. Hiện tượng cái gọi là “nhóm lợi ích” và “sân sau” trở nên phổ biến. Cách làm là đồng thời với việc thâu tóm quyền lực đảng, ông ấy phát động chiến dịch “đốt lò”, coi ‘chính phủ’ là nguồn cơn, trong bối cảnh vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ những động lực thị trường để đảm bảo tính chính danh cho Đảng. Đây là một hình thức nghịch lý quyền lực đòi hỏi nhận thức và hành động ‘đột phá’, thậm chí cải cách mang tính cách mạng như cuộc Đổi mới lần 2. Nhưng nó đã không xảy ra dưới thời ông cầm quyền.
Việc tập trung quyền lực đến tột đỉnh thường tạo ra vấn đề ‘tâm lý’ của kẻ độc tài. Theo Dacher Keltner, “nghịch lý quyền lực” (the power paradox) là biểu hiện của mối quan hệ nghịch đảo giữa lượng quyền lực mà một lãnh đạo cứng rắn tích lũy được và cảm giác an toàn của ông ta: càng có nhiều quyền lực, ông ta lại càng cảm thấy ít an toàn. Trong các chế độ toàn trị các nhà chuyên chế không có sự bảo vệ của thể chế, sự kế vị là thách thức nguy cơ ‘tiếm quyền.’ Ngoài ra, căn bệnh hoang tưởng cũng dễ xảy ra. Trong hơn một năm cuối đời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sự thanh trừng nhân sự ở Bộ Chính trị là chưa từng có, trong đó có những uỷ viên do chính ông ấy ‘giới thiệu.’
Mặc dù đã là "trường hợp đặc biệt" khi vượt qua giới hạn tuổi và nhiệm kỳ theo quy định trong Điều lệ Đảng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, nhưng tuổi tác và bệnh tật đã cản trở ông Nguyễn Phú Trọng hoàn thành sứ mệnh "cứu Đảng." Dường như đã lường trước xu hướng "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong Đảng đồng thời với ngăn chặn "từ sớm, từ xa" thế lực thù địch, phản động, dưới sự lãnh đạo của ông Đảng đã tăng cường an ninh chế độ. [4] Hậu quả là hệ thống công an trị 'leo cao' lên thượng tâng và lan rộng đến từng thôn, xóm để kiểm soát nghiêm ngặt nội bộ cũng như toàn bộ xã hội. Các nhà quan sát đang dõi theo những sự kiện tiếp theo, trước mắt ai sẽ thay thế cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lâu dài là tương lai chế độ sẽ ra sao?
___________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.