Thôi ông thích nói gì thì nói

Bà con hóng tình hình thời sự mấy hôm vừa qua tức khí chửi ầm lên. Sư bố nhà anh, làm đến cái chức đại biểu Quốc hội đại diện cho dân mà anh dùng thời gian vàng bạc ở Quốc hội anh nói những chuyện ấm ớ.

Trích nguyên văn trên trang web của Truyền hình Quốc hội Việt Nam:

“Sáng 31/5, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã dành nửa thời lượng phát biểu để nêu ý kiến về trang phục truyền thống áo dài ngũ thân”.

Ông nghị quan tâm nhất cái áo dài

Sau khi phát biểu rập khuôn kiểu ai cũng biết về vai trò giáo dục trẻ em, đại biểu Cảnh phân tích tính chỉn chu, trang trọng của áo dài ngũ thân (áo dài nam giới cổ của người Việt) thông qua bốn tà áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một tà con chính là người con. Tổng cộng năm tà áo cũng tượng trưng cho nhân-nghĩa-lễ-trí-tín. Gợi nhắc văn hóa truyền thống của người Việt .v.v Sau đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào nghị quyết kỳ họp này, cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân tại các phiên họp, khi viếng lăng Hồ Chí Minh và trong lễ chào cờ.

Úi cha chả là tức!

Kinh tế đang đóng băng. Doanh nghiệp chết lâm sàng hàng loạt. Dân thiếu việc làm, giá cả tăng vọt, người bệnh thiếu thuốc chữa, dịch bệnh mới rình rập, suất cơm 120 ngàn đồng ở công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội) chỉ có một miếng sườn nhỏ, rau luộc và nước canh, đựng trong chén đĩa nhựa rẻ tiền... Ông đường đường là đại biểu Quốc hội đến khóa thứ ba rồi, lại là doanh nhân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện cho nhân dân tỉnh Bình Định, trong lúc này không đau đáu việc làm ăn của doanh nghiệp, về các vấn đề kinh tế đang gặp phải của đất nước mà quan tâm áo áo quần quần.

Thôi thì miệng ông Cảnh ở trên người ông, ông muốn nói gì thì nói, cũng là quyền của ông thôi. Nhưng qua đó, người dân Bình Định cũng được hiểu biết thêm về cách thức ông mần đại diện cho họ.

Nhưng nói đi phải nói lại, đứng về phía ông nghị Cảnh, cũng không dễ như người ta tưởng.

Ai nói, nói gì… cho an toàn?

Quốc hội kỳ này có tất cả 499 đại biểu. Theo cơ cấu bầu cử thì đại biểu phải có đủ nam phụ lão ấu, dân tộc, tôn giáo, trong Đảng, ngoài Đảng, người được bầu cử và người tự ứng cử. Để đạt được cái gọi là sự đa dạng, nhiều thành phần, đại diện cho tất cả các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo… trong xã hội.

Nhưng kỳ Quốc hội này chỉ có nhõn 14 đại biểu là người ngoài Đảng. Chiếm tỷ lệ vỏn vẹn 2,8%. Trong đó có bảy người tái cử, chỉ có bảy người là được bầu mới.

Đại biểu tự ứng cử còn hiếm hoi đến đáng thương hơn nữa: mỗi bốn người trong tổng số 499 đại biểu.

14 đại biểu ngoài Đảng là những ai?

1.Đinh Thị Ngọc Dung, Nhân viên Phòng Dạy nghề - Lao động trị liệu, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương; đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử.

2. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV. Đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử.

3. Đặng Minh Châu (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm), Tu sĩ Phật giáo, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

4. Nguyễn Thị Hà, giáo viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường Trung học phổ thông Lương Tài, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

5. Nguyễn Văn Riễn (Linh mục Nguyễn Văn Riễn), Linh mục, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, giáo phận Phú Cường; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, đại biểu quốc hội khóa XIV.

6. Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước, đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử.

7. Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau; Tổng Giám đốc công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất Thanh Phương.

8. Quàng Thị Nguyệt, nông dân ở Bản Púng Giắt I, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

9. Nguyễn Tiến Thiện (Thượng tọa Thích Đức Thiện) Tu sĩ Phật giáo; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

10. Nàng Xô Vi, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

11. Trần Thị Quỳnh, giáo viên, Phó Bí thư Đoàn trường Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

12. Lương Công Quyết (Hòa thượng Thích Thanh Quyết), Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa XIII, XIV.

13. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử.

14. Phạm Thị Xuân, Thư ký viên Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt được báo chí ca ngợi là niềm tự hào của địa phương vì là người Khơ Mú đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội. Trên lý lịch ghi “nông dân”, nhưng Quàng Thị Nguyệt đã tốt nghiệp đại học ngành Công tác xã hội tại Học viện phụ nữ, sau đó không tìm được việc làm nên trở về nhà bán quán tạp hóa.

“Giờ đây được cử tri tin tưởng bầu tôi là đại biểu quốc hội thì tôi cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng vì phải gánh vác trách nhiệm “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân” – đó là một áp lực rất lớn.Tuy nhiên, tôi xác định đây vừa là một thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tôi phấn đấu theo đuổi mục tiêu góp phần vào sự phát triển, đổi thay của quê hương vùng cao, biên giới”- đạibiểu Nguyệt từng nói với báo chí.

Tuy nhiên, hai năm hoạt động trong Quốc hội, dường như đại biểu này chưa từng một lần phát biểu trong nghị trường.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (giáo viên, Phó Bí thư Đoàn trường Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) cũng vậy.

Năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) từng nói thẳng: “Có cảm giác chúng ta làm việc lặng lẽ, tổ chức góp ý văn bản luật. Còn những vấn đề bức xúc xã hội, đại biểu có tiếng nói với công luận còn ít. Các đại biểu kiêm nhiệm rất ngại phát biểu”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng thừa nhận sự lưỡng nan này: “Nếu phát biểu với tư cách đại biểu quốc hội thì tôi có thể nói ngay. Nhưng nói với tư cách người của ngành y tế thì phải theo đúng sự phân công của tổ chức”.

Tuyệt đại đa số đại biểu là đảng viên, hơn thế còn là đảng viên đang lãnh đạo các cơ quan đơn vị từ trung ương đến địa phương. Theo quy định, họ phải hoàn toàn phục tùng mọi nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định… của Đảng. Những ý kiến trái chiều, “phạm húy” mặc dù có tính đột phá hay gợi mở, tháo gỡ khúc mắc, đề xuất giải pháp … tốt nhất không nên nói. Nói ra, bị quy chụp trái với nghị quyết, quy định của đảng… thì rầy rà vô cùng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến công danh sự nghiệp.

Bên cạnh đó, những đại biểu được bầu do cơ cấu, cho đẹp đội hình, trong khi trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trải nghiệm sống, tầm suy nghĩ… đều chưa đủ đảm đương chức trách đại biểu. Trên nghị trường, họ yên lặng ngồi nghe và bấm nút biểu quyết theo đa số, chứ không có lý giải của riêng mình.

Nên đa số đại biểu đều sẽ phát biểu chung chung, vô thưởng vô phạt hoặc nói những điều ai cũng biết, như đề cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục trẻ em, phải tích cực chống tham nhũng lãng phí, nêu bật vai trò làm gương của cán bộ lãnh đạo, giữ gìn bản sắc văn hóa… Rất ít người có những phản ánh phong phú thẳng thắn từ thực tế, hoặc dám phân tích, yêu cầu chặt bỏ những nút thắt pháp lý đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Như sự độc quyền về sở hữu đất đai và quản lý xã hội của Nhà nước, nguyên nhân nền tảng của tham nhũng, hối lộ chẳng hạn…

Vì thế, phát biểu như ông Cảnh về tấm áo dài nam giới tuy chẳng liên quan gì đến tình hình kinh tế đất nước, nhưng cũng còn có nội dung chán. Thượng thừa về trình phát biểu trơn như lụa làng Vân phải kể đến thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

thichthanhquyetnld.jpeg
Thượng toạ Thích Thanh Quyết phát biểu tại Quốc hội trước đây (minh hoạ). Hình: Người Lao Động

“Chính phủ ta khiêm tốn quá”

Cuối năm 2018, sư Quyết đứng lên ca ngợi việc Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước là việc làm đi vào lịch sử, được “cơ trời, vận nước, mệnh trời giao phó”, là quyết sách “hợp với ý Đảng, lòng dân, tâm Phật”. Phần còn lại, sư bày tỏ bức bối trước việc một số địa phương đòi quản lý tiền công đức của nhà chùa. “Tại sao chính quyền không quản lý tài chính của các tôn giáo khác cho công bằng? (…) (chính quyền) có tu đâu mà quản lý tiền chùa?”.

Tháng 3/2021, sư phát biểu: “Qua COVID-19, có thể khẳng định nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và giá trị một đảng cầm quyền là hoàn toàn đúng đắn, uy tín của đất nước, đặc biệt là những người đứng đầu đất nước rất cao”.

Sáng 1/6/2023, sư Quyết tiếp tục gây cảm động nghị trường: “Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Hoa là chuyến thăm có tính lịch sử (…) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng toàn hệ thống chính trị và nhân dân thì trong bối cảnh khó lường vượt ngoài dự báo nhưng đất nước ta vẫn đạt được những kết quả toàn diện. Báo cáo của Chính phủ phản ánh khiêm tốn, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kết quả tăng trưởng trong thời gian qua đạt được như vậy là rất đáng trân quý (…) Tăng trưởng thấp là dịp nhìn lại để lấy đà cho tăng trưởng trong thời gian tới”.

Sư Quyết cực kỳ nổi tiếng với hoạt động dâng lễ cúng sao giải hạn, thu về rất nhiều tiền ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Năm 2019, chùa này từng từ chối dâng lễ cúng sao giải hạn cho một Phật tử vì họ không đem đủ tiền, thiếu mất 50 ngàn đồng so với mức thu của chùa.

Khi sự việc om sòm trên truyền thông, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn nói rõ nghi lễ dâng sao giải hạn không phải của Phật giáo, thì tại chùa Phúc Khánh, những nhân viên làm việc tiếp khách thu tiền vẫn giải thích với phóng viên: “Thầy Quyết lấy rất rẻ (…) bố thí làm phúc thôi”.

Nhưng trong một đoạn giải thích khác, bà này khẳng định “Làm kinh tế là phải sòng phẳng”.

Một người khác cũng đang làm công đức trong chùa thì bức xúc hộ thầy Quyết: “Một cái sớ, một quả chuối, một cái oản mà 12 tháng, thầy lỗ chổng vó. Những người “dựng vở” (ý nói vu oan cho thầy Quyết và chùa Phúc Khánh) sẽ chết, chết rất nhiều rồi”.

Một sư thầy như thế lại là người “được nhân dân tín nhiệm bầu ra thông qua tổng tuyển cử tự do, trực tiếp, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội” như luật định.

Lục lọi quá khứ, có những ông bà nghị từng phát biểu những nội dung rất giải trí.

Nhưng nói cho cùng, bây giờ chẳng mấy người dân thực sự quan tâm đến phát biểu của các đại biểu quốc hội trên nghị trường. Vì sự thật là dân đâu có bầu ra họ.

_____________

Tham khảo:

https://www.quochoitv.vn/dai-bieu-de-nghi-duoc-mac-ao-dai-ngu-than-trong-cac-phien-hop-quoc-hoiOpens in new window ]

https://vietnamnet.vn/khoa-moi-phan-dau-co-25-50-dai-bieu-quoc-hoi-la-nguoi-ngoai-dang-710890.htmlOpens in new window ]

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/quoc-hoi-khoa-xv-co-14-dai-bieu-la-nguoi-ngoai-dang-865766.vovOpens in new window ]

https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-it-biet-ve-co-nong-dan-24-tuoi-vua-trung-dai-bieu-quoc-hoi-919297.ldoOpens in new window ]

https://www.youtube.com/watch?v=lZfRUmCPWjYOpens in new window ]

https://quochoitv.vn/hoa-thuong-thich-thanh-quyet-xa-hoi-co-the-yeu-thu-no-thu-kia-chu-khong-the-thieu-thayOpens in new window ]

https://kenh14.vn/nguoi-thu-tien-o-chua-phuc-khanh-thu-150-nghin-la-thay-da-lo-chong-vo-roi-20190223080451477.chn

https://dbqh.quochoi.vn/thong-tin-bau-cu/XV.aspxOpens in new window ]

https://thanhnien.vn/qua-trinh-thang-tien-than-toc-cua-mot-dai-bieu-quoc-hoi-185649198.htmOpens in new window ]

https://quochoitv.vn/hoa-thuong-thich-thanh-quyet-xa-hoi-co-the-yeu-thu-no-thu-kia-chu-khong-the-thieu-thayOpens in new window ]

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do