Vì sao Đồng Tâm?

Mười ngày sau biến cố Đồng Tâm, bên cạnh cảm giác bàng hoàng, phẫn nộ, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn trước câu hỏi vì sao chính quyền lại hành động như vậy?

Bởi lẽ, ngay cả đứng trên phương diện lợi ích của chính quyền, hành động này rõ ràng lợi bất cấp hại khi nó đã xói mòn nghiêm trọng tính chính danh của chế độ, đặc biệt là với quần chúng nông dân vốn là trụ cột ủng hộ.

Chỉ có thể lý giải rằng chính quyền đã không còn sự lựa chọn nào khác mới xuống tay như vậy.

Song, hoàn cảnh nào đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác?

Để làm rõ chuyện này, cần quay lại cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vào tháng 4/2017. Lẽ ra mọi thứ đã êm xuôi sau khi Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung lăn tay điểm chỉ cam kết ba điều, đổi lại dân làng trả tự do cho cán bộ chiến sĩ. Niềm tin trong dân làng dẫu vơi vẫn còn.

Hình minh họa. Cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm bắt làm con tin được thả hôm 22/4/2017
Hình minh họa. Cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm bắt làm con tin được thả hôm 22/4/2017 (AFP)

Thế nhưng, chính quyết định khởi tố vụ án 2 tháng sau đó đã quét sạch chút tin tưởng sót lại trong lòng dân làng. Và biến cố đầu năm 2020 chỉ là hệ quả tất yếu của một chuỗi căng thẳng đối đầu trong suốt hai năm rưỡi qua, khởi đi từ việc chính quyền Hà Nội vứt bỏ lời hứa, khởi tố vụ án Đồng Tâm.

Bởi vậy, câu hỏi vì sao chính quyền lại hành động như vậy chắc hẳn liên quan đến câu hỏi vì sao chính quyền lại quyết định khởi tố vụ giữ người ở Đồng Tâm.

Còn nhớ lúc đó, không ít người ngạc nhiên là vì sao sự kiện Đồng Tâm diễn ra vào nửa cuối tháng 4, nhưng mãi tới giữa tháng 6, nghĩa là suýt soát 2 tháng sau, công an Hà Nội mới tiến hành khởi tố.

Có tình tiết nào mới xuất hiện trong khoảng thời gian này hay sao mà vào tháng 4 công an Hà Nội chưa thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm, chỉ đến tháng 6 mới nhận ra? Có vẻ không phải như vậy, vì ngay từ đầu lãnh đạo chính quyền và công an Hà Nội khi trả lời phỏng vấn đều đã xác định dân làng Đồng Tâm vi phạm.

Hay theo lý giải của ĐBQH Dương Trung Quốc, người ký tên làm chứng trong bản cam kết 3 điểm của Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung với dân làng Đồng Tâm, thì lúc đó chính quyền chấp nhận không khởi tố để tháo ngòi nổ và giải cứu con tin thôi, còn bây giờ khởi tố để làm rõ. Nếu vậy thì sao không khởi tố ngay sau khi giải cứu được con tin? Sợ mang tiếng chăng?

Không rõ lý do thực sự là gì, song có một sự trùng hợp đáng lưu ý là lệnh khởi tố được đưa ra (13/6) chỉ 2 ngày sau khi Thành ủy Hà Nội - cơ quan lãnh đạo cao nhất thành phố - họp Hội nghị lần thứ 9 (11/6), trong đó vụ việc Đồng Tâm là một trọng tâm thảo luận.

Vậy hãy cùng xem Thành ủy Hà Nội đã kết luận ra sao về vụ Đồng Tâm để có thể có chút manh mối nào đó về lý do thực sự cho việc khởi tố. Dưới đây là kết luận của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải trong Hội nghị:

"Thành phố đã tập trung chỉ đạo và các quận huyện thị cũng đã có đánh giá, phân loại. Hiện nay chúng ta còn 200 VỤ VIỆC liên quan đến 164 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN. Đây là một hạn chế nhưng cũng thấy qua kinh nghiệm vụ việc ở Đồng Tâm, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền cũng khác. Chủ tịch thành phố cũng có chỉ đạo là các sở ban ngành không những đánh giá các vụ việc, mà còn đánh giá các NGUY CƠ TIỀM ẨN với thành phố chúng ta, với từng quận huyện thị một."

"Đợi đến chân rồi xong bảo là hóa ra việc này mình biết lâu rồi nhưng chưa giải quyết. 200 vụ việc nói trên, tới đây Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo. Phải ĐƯƠNG ĐẦU với nó bởi chúng ta biết là sớm muộn phải đương đầu với nó. Càng để lâu thì càng khó khăn hơn, VẤN ĐỀ CÀNG NGUY HIỂM HƠN."

Tóm lại, Hà Nội hiện nay trung bình cứ 4 xã/phường thì tiềm ẩn 1 Đồng Tâm* do chưa dứt điểm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Thực trạng này đang được coi là một nguy cơ tiềm ẩn, và vấn đề đang ngày càng nguy hiểm hơn.

Liệu đây có phải là nguyên nhân thực sự khiến chính quyền vứt bỏ lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung để khởi tố dân làng cách đây hai năm, và cũng là lý do vì sao chính quyền nhất định phải xuống tay cách đây mười ngày?

Thông điệp này của chính quyền gửi đến những làng xã, địa phương liệu có tác dụng? Có khiến dân chúng bỏ cuộc, vì sợ mà chấp nhận giao đất không phản kháng?

Thời gian sẽ trả lời tất cả.

---

[*] Hà Nội hiện có 584 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

* Bài vết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do