Kinh tế Việt Nam liệu có thể tránh được khủng hoảng tăng trưởng?

Số liệu thực tế về tổng sản phẩm quốc nội GDP “trồi sụt” phản ánh quá trình tăng trưởng ngày càng phải trả giá cao vì cải cách thể chế không tương thích. Căn nguyên của khủng hoảng tăng trưởng là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai hệ thống giá trị thị trường và chế độ toàn trị, vì vậy giải pháp chính sách là cải cách hướng đến chất lượng tăng trưởng bền vững.

Việt Nam cần “lo lắng” về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế khá thất thường trong thập kỷ gần đây, đặc biệt về mặt chất lượng. Các chỉ báo GDP “trồi sụt” trong “thập kỷ mất mát” do bất ổn thể chế là các dấu hiệu khủng hoảng, trong khoảng thời gian 2011-2020 tỷ lệ tăng GDP bình quân chỉ đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó năm 2012 đạt 5,03% thấp hơn nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Sau đó, chỉ tiêu GDP đã giảm “sốc” trong đại dịch COVID-19, chỉ 2,91% năm 2020 và 2,58% năm 2021. Đây là cơ sở gốc thấp cho tỷ lệ tăng 8,02% năm 2022 so với 2021, và tiếp đến sự suy giảm “đột ngột” GDP của Quý 1 năm 2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ theo Tổng cục Thống kê Việt Nam mới công bố. Đây là mức tăng thấp không chỉ so với mức trung bình trong thời kỳ Đổi mới từ 1986 đến nay, mà là đối với một quốc gia nghèo với xuất phát điểm kinh tế thấp, đang phát triển nói chung. Tình hình này đang đặt ra nghi vấn liệu thời kỳ “hoàng kim” tăng trưởng đã kết thúc và rằng, kinh tế liệu khủng hoảng tăng trưởng có thể kéo dài bao lâu trong bối cảnh bất ổn thể chế.

Tương tự như phương pháp khảo cứu “pha suy thoái” của chu kỳ kinh tế thị trường, các nhà kinh tế, hoạch định chính sách đã phân tích kết quả tác động tiêu cực của nó đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó GDP thực tế giảm sút là do tiêu dùng giảm mạnh dẫn đến nhà sản xuất cắt giảm sản lượng kéo theo đầu tư vào trang thiết bị, nhà xưởng cũng giảm. Chẳng hạn, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung trong hai tháng đầu năm 2023 đã có hơn 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số DN thành lập mới chỉ bằng nửa số rời đi. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc còn tồi tệ hơn (chúng ta sẽ xét cụ thể ở các phần tiếp theo). Số công ty nợ đọng bảo hiểm xã hội tăng cao, Số đơn hàng của các doanh nghiệp FDI bị cắt giảm mạnh… Vì thế, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh và giá chứng khoán thường giảm theo khi các nhà đầu tư cảm nhận được tác động tiêu cực từ khủng hoảng. Thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm kéo dài, xoay quanh mốc thấp điểm suốt nhiều tháng nay, hàng tỷ đô la tài sản đã ra đi theo đà giảm giá chứng khoán. Tổng kim ngạch thương mại giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022. Cầu về lao động giảm, tiếp theo là hiện tượng cắt giảm nhân công và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục kéo dài cho thấy đời sống của một bộ phận dân cư đang gặp khó khăn…

Hai nhóm nguyên nhân của sự sụt giảm mức tăng được chỉ ra. Trước hết, về các yếu tố bên ngoài, với nền kinh tế có độ mở cao, tổng kim ngạch thương mại trên 200% so với GDP, Việt Nam chịu tác động mạnh bởi các “cơn gió ngược” trong bối cảnh thế giới “không có tiền lệ”, “không dự báo được” dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Trong đó nhấn mạnh ba yếu tố như điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn; xung đột Nga – Ukraine và; sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc…” trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 và cạnh tranh chiến lược căng thẳng giữa các cường quốc. Về yếu tố bên trong, khủng khoảng trái phiếu bất động và ảnh hưởng đô-mi-nô đến tài chính, ngân hàng được cho là chủ yếu làm giảm GDP…

Chính phủ cho rằng chưa phải điều chỉnh kế hoạch, mang tính “pháp lệnh”, theo đó tăng GDP năm 2023 là 6,5% mà Quốc hội đã thông qua. Các nhà điều hành đang nỗ lực huy động “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, phá “băng” sự trì trệ của bộ máy hành chính, thành lập các tổ công tác tháo gỡ, tăng cường thúc đẩy đầu tư công, thực thi “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS) và tài chính thông qua các chính sách giảm lãi suất cho vay, giảm thuế, giãn nợ…, hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh đối mới các nhà đầu tư nước ngoài, tìm kiếm bổ sung thị trường xuất khẩu… Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là khó khả thi, vì triển vọng tăng GDP trung bình trên 7,5% của ba quý còn lại là không thể. Họ dự đoán GDP năm 2023 chỉ trong khoảng 5 đến 5,5%.

000_33387Z9.jpg
Công nhân nhà máy Tỷ Hùng ở TPHCM hôm 30/11/2022. AFP

Cách tiếp cận như trên đối với thực trạng suy giảm tăng trưởng chủ yếu phục vụ cho mục đích điều hành kinh tế. Điều này là cần thiết và hợp lô gíc về nguyên tắc lý thuyết, theo đó tăng trưởng kinh tế thường chỉ có thể nhận diện những điều kiện gần nhất liên quan trực tiếp, phản ánh các hiện tượng bề nổi hơn là bản chất tăng trưởng, chẳng hạn, như nêu trên về quá trình mở rộng hay thu hẹp kinh doanh và lực lượng lao động. Tuy nhiên, trên phương diện đánh giá khủng hoảng thì sự tăng trưởng “trồi sụt” cần được lý giải khi gắn với cả quá trình cải cách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, sự va chạm các hệ thống giá trị khác nhau của chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo và thị trường ở phía sau những thành công và thất bại, trong đó có sự không tương thích ngày càng nghiêm trọng giữa thể chế kinh tế và chính trị và GDP suy giảm đột ngột nên được coi là dấu hiệu bùng phát của khủng hoảng.

Các lý thuyết kinh tế cho biết rằng tăng trưởng kinh tế là một phạm trù phức hợp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như vật chất, lao động, kỹ thuật và thể chế, và hơn thế, sự kết hợp “bí ẩn” giữa chúng. Hơn thế, thực tế đã chỉ ra yếu tố thể chế ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, trên bình diện vĩ mô cả nền kinh tế hay trong mỗi cấu thành của nó như các trụ cột tăng trưởng. Chẳng hạn, ý thức hệ để lại dấu ấn trong các sai lầm chính sách tăng trưởng nóng vội gây bất ổn thể chế vào những năm 2010 và sau đại dịch COVID-19. Rồi, chiến dịch chống tham nhũng tuy là động thái ngăn chặn sự bất ổn của chế độ, nhưng nó đã đòi hỏi chi phí cao, sự trả giá cho tha hoá quyền lực công kéo dài đang cản trở sự vận hành nền kinh tế. Các đại án như ở “tập đoàn AIC”, “Việt – Á’ hay “Những chuyến bay giải cứu”… đang phơi bày những cách chiếm đoạt trắng trợn tài sản công, sự vô liêm sỉ của quan chức suy thoái đạo đức. Tất cả đang là vật cản cho phát triển lành mạnh thị trường, khủng hoảng thể chế đang đe doạ sự tồn vong của chế độ… Phương thức lãnh đạo, quản lý độc đoán duy ý chí đã không còn phù hợp với thực tế chuyển đổi.

Tăng trưởng “trồi sụt” phản ánh quá trình này ngày càng phải trả giá cao vì cải cách thể chế không tương thích. Căn nguyên của khủng hoảng tăng trưởng là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai hệ thống giá trị thị trường và chế độ toàn trị, vì vậy giải pháp chính sách là cải cách hướng đến chất lượng tăng trưởng bền vững. Và, việc giải mã sự bí ẩn mối quan hệ giữa tăng trưởng và thể chế sẽ giúp nhận diện rõ hơn về cuộc khủng hoảng tăng trưởng hiện nay. Chính bởi các thể chế vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nên chúng tôi sẽ chỉ ra sự chi phối của thể chế đối với các trụ cột tăng trưởng kinh tế chủ yếu của Việt Nam, như khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và lĩnh vực bất động sản (BĐS), trong suốt quá trình Đổi mới sẽ không được giải thích thỏa đáng nếu không có sự hiểu biết về các tác động của các thể chế và chính sách trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.