Theo dõi Nhân quyền: Úc hãy hối thúc VN trả tự do cho ông Châu Văn Khảm

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 7 tháng 12 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Úc hối thúc Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền và trả tự do cho công dân Úc gốc Việt là ông Châu Văn Khảm trước thềm buổi Đối thoại Nhân quyền giữa hai nước.

Buổi đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 17 giữa hai nước dự kiến diễn ra vào ngày 8 tháng 12 năm 2021 bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại Hoa Kỳ, ra tuyên bố gửi đến chính phủ Úc chỉ một ngày trước cuộc đối thoại.

Trong tuyên bố, tổ chức này hối thúc Canberra thuyết phục Hà Nội cải thiện lĩnh vực quyền con người.

"Nước Úc cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc ép Việt Nam thực hiện các bước đi thực tế nhằm đảo ngược thành tích nhân quyền tệ hại hiện tại." - Giám đốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, Elaine Pearson tuyên bố.

Bà Pearson cũng nói rằng "rất nhiều người ở Việt Nam đã bị truy tố chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản, thứ mà nhiều người Úc thường coi là chuyện tất yếu."

Theo thống kê của tổ chức này thì hiện có ít nhất 176 tù nhân chính trị và những người bị giam giữ dưới động cơ chính trị ở Việt Nam.

Một trong những cá nhân được tổ chức này nêu tên là ông Châu Văn Khảm, thành viên của tổ chức Việt Tân hiện đang chịu mức án 12 năm tù giam sau khi bị toà án Việt Nam buộc tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Hai người Việt Nam khác trong cùng vụ án là ông Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, bị tuyên lần lượt là 11 năm tù và 10 năm tù giam.

Theo dõi Nhân quyền cho rằng ưu tiên hàng đầu của nước Úc trong buổi đối thoại năm nay nên là việc cứu ông Khảm - công dân của Úc ra khỏi nhà tù và đưa ông trở về quê hương thứ hai.

Trong thông cáo, tổ chức nhân quyền thường bị chính quyền Việt Nam cho rằng là "thiếu thiện chí" cũng nhắc đến nhà báo Phạm Đoan Trang, hay hai ông/bà Trịnh Bá Phương là Nguyễn Thị Tâm sắp phải ra hầu tòa trong tháng 12 này.

Trước đó, Human Rights Watch cũng đã gửi kiến nghị đến chính phủ Úc trong đó nêu ra ba việc mà nước này cần phải kêu gọi phía Việt Nam thực hiện trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới, bao gồm:

Thả toàn bộ tù nhân chính trị và các nghi can chính trị, bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều luật 109, 116, 117, 118 và 331 trong Bộ Luật Hình sự, và bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều 74 và 173 trong Luật Tố tụng Hình sự cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Úc và Việt Nam tổ chức cuộc Đối thoại Nhân quyền đầu tiên vào năm 2002 ở Hà Nội, đây là dịp để hai bên trao đổi tình hình thực thi các cam kết đối với quyền con người ở mỗi nước, và đưa ra các kiến nghị cho nước đối tác nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.