Năm 2022 kinh tế Việt Nam phục hồi khó khăn trong bối cảnh COVID-19 lan rộng

Việt Nam chuẩn bị bước vào năm mới, Quốc hội đã ‘lạc quan’ xác định tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), một chỉ tiêu kế hoạch quan trong nhất đảm bảo cho tính chính danh của chế độ, cho năm 2022 là 6,0 đến 6,5%. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn lan rộng và sự tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội là những mối đe dọa cho sự phục hồi mong manh.

Tình hình trong và ngoài nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khó lường đến mức các kịch bản tăng trưởng, kể cả do các tổ chức dự báo khả tín đưa ra, đều khó chính xác và thường phải điều chỉnh nhiều lần. Đầu năm, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021, có thể đạt mức thấp là 5,98% và cao là 6,46%. Các các tổ chức quốc tế cũng đã từng đánh giá cao về kinh tế Việt Nam, nhưng nay dường như họ có vẻ đã thay đổi, bớt ‘lạc quan’ hơn khi các biến thể Delta, rồi Omicron của chủng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện và lan rộng. Cuối quý III/2021 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng GDP Việt Nam 2021 sẽ chỉ tăng trưởng 3,8%, trong khi Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố GDP quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ trước đến nay.

Trước hết, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP hơn 200%, bởi vậy sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Hai tháng trước, hầu hết các nhà dự báo đều coi sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới trong năm 2022 là có là cơ sở, với mức giá cả hạ nhiệt và sự chuyển hướng ra khỏi chính sách tiền tệ khẩn cấp... Tuy nhiên, tình hình vẫn kinh tế trì trệ trong bối cảnh chính trị trở nên căng thẳng và đại dịch khó lường là nguy cơ hiện hữu.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm dấy lên làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính thế giới. Giới đầu tư lo ngại chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới. Siêu biến thể Omicron đang khiến nhiều nước, đặc biệt ở Châu Âu như Anh, một số nước EU, Hàn Quốc… đang thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn, khiến nhu cầu sụt giảm, chuỗi cung trên thế giới vẫn tiếp tục đứt gãy và số lao động buộc phải rời thị trường gia tăng. Ngoài sự tác động của biến thể Omicron, cuộc khủng hoảng năng lượng, giá cả hàng hoá tăng cao, bất ổn xã hội và địa chính trị hay biến đổi khí hậu cũng là mối đe doạ lớn.

Đối với các thị trường lớn của hàng hoá Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ cũng đang có những vấn đề. Bất ổn chính trị, khủng hoảng nợ, làn sóng vỡ bong bóng bất động sản và khó khăn hoạt động bởi việc duy trì chính sách Zero- Covid ở Trung Quốc. Nguy cơ lạm phát cao tại Mỹ đang đe doạ sự phục hồi kinh tế, Cục dự trữ Liên bang (FED) đã phát đi tín hiệu cắt giảm nới lỏng định lượng (QE), chương trình mua tài sản này, và tăng lãi suất trái phiếu kho bạc trong 3 đợt tăng trong năm 2022 để kiềm chế ở mức 2,5%. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đã mang tính chất cuộc chiến ý thức hệ ngày càng căng thẳng gây bất ổn cho thế giới và Việt Nam.

Đối với Việt Nam những bài học không chỉ cho các nhà dự báo mà cả nhà hoạch định chính sách là đại dịch Covid-19 khó lường và tác động của nó đối với hoạt động kinh tế vẫn là mối đe doạ lớn nhất cho phục hồi và tăng trưởng, trong đó chiến lược ứng phó, chiến lược vác - xin có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết 128 – CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là sự thay đổi chính sách bước ngoặt, từ chính sách ‘Không-Covid’ đến ‘sống chung với đại dịch’. Thiệt hại kinh tế và số ca tử vong cao là nguyên nhân trực tiếp. Chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đợt dịch thứ 4 kéo dài hơn 3 tháng khiến hàng chục nghìn người chết, kinh tế quý III sụt giảm gần 7% và “người lao động, hộ kinh doanh thiệt hại 220 nghìn tỷ đồng”... Tuy nhiên, chiến lược mới cần có thời gian để đánh giá sự tác động. Trong tháng 12/2021 số ca nhiễm Covid luôn hơn 10 nghìn và vẫn đang tăng, số ca tử vong cũng tăng ở nhiều địa phương, một số tỉnh thành ở phía Nam đã phải yêu cầu trợ giúp về phương tiện và nhân lực y tế. Thủ đô Hà Nội đã có 5 quận huyện dịch ở cấp độ 3 (màu cam) và đưa ra cảnh báo và chuẩn bị phương án điều trị cho số ca nhiễm tăng nặng lên 30 nghìn giường bệnh…

000_9RZ86V.jpg

Sự thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch đang lấy lại niềm tin với các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn đang tiếp tục tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội. Cuộc sống bình thường bị đảo lộn trên phạm vi cả nước, khoảng cách giàu nghèo nới rộng hơn từ cả hai cực, cấu trúc kinh tế bị phá vỡ. Một số lĩnh vực thiệt hại nặng nề như du lịch, dịch vụ, hàng không, doanh nghiệp nhỏ… trong khi một số ít hưởng lợi như ngân hàng, bán lẻ online… Hoạt động kinh tế trì trệ bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sự đình trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, xáo trộn nghiêm trọng thị trường lao động, giá nguyên vật liệu đều đang tăng mạnh, chi phí phòng chống dịch… khiến hàng hoá trở nên đắt đỏ và cầu giảm sút. Ngoài ra, chính sách tiền tệ đang chứa đựng rủi ro cao trong bối cảnh được nới rộng, nhưng nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh thấp, dòng tiền trong nền kinh tế đang dần chuyển sang chứng khoán, bất động sản. Dòng tiền kích thích không chảy theo mục đích khiến nền kinh tế có thể phải đối mặt không chỉ nguy cơ lạm phát cao mà còn bong bóng tài sản như những gì đã từng xẩy ra vào những năm 2010.

Giới chuyên gia nhận định rằng kinh tế Việt Nam phục hồi chậm so với đà phục hồi của thế giới là vì “khủng hoảng dịch bệnh ở Việt Nam có cả vấn đề về cấu trúc chứ không đơn thuần là khủng hoảng y tế”, do đó “quá trình phục hồi theo kiểu chữ U” với đáy từ cuối năm 2020 kéo dài sang năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022. Nhiều khuyến nghị được đưa ra như tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhằm giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, nhất là hộ kinh doanh để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm đồng thời với sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… Trong đó, một giải pháp ‘nóng’ được kêu gọi cho “tình trạng khẩn cấp”, như “dành 10% GDP để chống dịch” hay “huy động ngoại tệ hoặc vàng trong dân” phi thị trường…, đang chứng tỏ những thách thức cho phục hồi kinh tế là rất khó khăn.

Việc xây dựng chính sách phục hồi kinh tế đang là vấn đề. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện để báo cáo trước ngày 30/11. Tuy nhiên cho đến nay một chương trình như vậy chưa được phê duyệt chính thức. Niềm tin chính sách suy giảm không chỉ do hoạch định mà, hơn thế, còn do thực thi. Chính sách dù ‘hay’ đến mấy nhưng bị thao túng để trục lợi bởi các quan chức ‘hư hỏng’ sẽ để lại hậu quả lâu dài. Vụ án ‘Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á’ đang là biến cố rung động xã hội!

Phạm Quý Thọ