Chuẩn bị cho COC, các bộ trưởng Đông Nam Á tránh đề cập đến tranh chấp Biển Đông

Cuộc gặp của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần này được xác định tránh đề cập những mối quan ngại về vấn đề vũ trang và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, nhằm chuẩn bị cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (gọi tắt là COC), cho dù bộ quy tắc ứng xử này không có giá trị pháp lý, chỉ là mẫu mực chung, đề nghị các quốc gia liên quan nên thực hiện.

Hãng thông tấn Reuters cho biết họ đã xem qua một bản tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó không đề cập đến các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng theo Reuters, nội dung của một bản kế hoạch thiết lập bộ quy tắc ứng xử biển hàng hải ASEAN - Trung Quốc đã bị rò rỉ ra ngoài, cho thấy không đòi hỏi phải ràng buộc về mặt pháp lý, hoặc phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hai bản dự thảo này đã nêu bật vai trò lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực vào thời điểm chưa có sự chắc chắn rằng chính phủ mới của Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào sự bành trướng của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh chấp.

Tin từ Reuters cho biết các nước ASEAN đã từng nghiêm túc bày tỏ mối quan tâm trong văn bản này, và "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm cả việc cải tạo đất."

Tuy nhiên, trong nội dung văn bản mới nhất chỉ đề cập kêu gọi tránh "hành động đơn phương trong các hoạt động tranh chấp”.

Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc và có hiệu lực pháp lý là mục tiêu các nước ASEAN có liên quan, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam mong đợi kể từ năm 2002, nhằm bảo đảm tự do hàng hải và đường biển.

Việt Nam yêu cầu phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc ứng xử này phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, nhưng Bắc Kinh cho rằng quần đảo này không còn là nơi tranh chấp chủ quyền nữa, kể từ khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01/1974.