Băng ở Nam Cực tan chảy gấp 3 lần so với trước

Băng ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ đáng báo động, khoảng 3 nghìn tỷ tấn băng đã biến mất từ ​​năm 1992. Một nghiên cứu mới của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực băng hà cho biết như vừa nêu và được AP loan đi ngày 14 tháng 6.

Các nhà khoa học tính toán, mảng băng ở cực nam trong một phần tư thế kỷ qua đã tan chảy với lượng nước đủ để nhấn chìm tiểu bang Texas của Mỹ xuống độ sâu gần 4 mét. Nói cách khác, tất cả lượng nước tan chảy này đã làm cho đại dương toàn cầu tăng lên 7,6 mm.

Nghiên cứu được công bố hôm 12 tháng 6 trên tạp chí Nature cho biết, từ năm 1992 đến năm 2011, Nam Cực mất gần 76 tỷ tấn băng một năm; từ năm 2012 đến năm 2017, tỷ lệ tan chảy tăng lên hơn 3 lần, tức 219 tỷ tấn một năm.

Giáo sư Isabella Velicogna của Đại học California Irvine, một trong 88 tác giả của nghiên cứu cho biết tình hình đang diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Tác giả chính Andrew Shepherd thuộc Đại học Leeds ở Anh cho biết không giống như các nghiên cứu đo lường đơn lẻ, nhóm nghiên cứu vừa nêu xem xét việc băng tan chảy theo 24 cách khác nhau sử dụng 10 đến 15 vệ tinh vũ trụ, cũng như đo đạc mặt đất, không khí và mô phỏng máy tính.

Ông Shepherd khẳng định không có tác nhân nào khác gây ra việc này ngoài biến đổi khí hậu. Ông nói thêm băng ở Nam Cực tan chảy chủ yếu do nước ấm lên kết hợp với gió chuyển dịch gây ra bởi việc đốt than, dầu và khí tự nhiên.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hơn 70 phần trăm tình trạng băng tan chảy gần đây diễn ra ở Tây Nam Cực, trong khi Đông Nam Cực được dự báo có khả năng ổn định trong vài thập kỷ tới.

Bà Twila Moon, một nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia, không nằm trong số các tác giả của nghiên cứu trên, từng nhận xét về tình hình băng tan là ‘rất thảm khốc’.