Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cổ võ các nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia hợp tác phát triển kinh tế chung.
Trong cuộc họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Song của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng cùng với những nước khác, Trung Quốc sẵn sàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, để mọi người dân Châu Á-Thái Bình Dương đều được hưởng lợi.
Phát biểu này được một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đã có kế hoạch để khẳng định vai trò cường quốc của họ trong khu vực, sau khi Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố một trong những việc ông sẽ làm ngay sau khi vào Nhà Trắng là rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP.
Bản hiệp định này được chính phủ đương nhiệm của Tổng Thống Barack Obama ký kết với 11 nước trong vùng, được xem là hiệp định giúp phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng ngăn chận, không để Trung Quốc cơ hội nắm quyền quyết định thị trường.
Đầu năm nay khi các nước tham gia TPP hoàn tất thương thuyết, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama có nói tới điều đó, nhấn mạnh điều quan trọng của TPP là không để Trung Quốc tự quyết định luật chơi, buộc các nước khác phải tuân theo.
Tuy nhiên, bản hiệp định không được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc Hội đang kiểm soát bởi đảng Cộng Hòa, đồng thời khi còn tranh cử, ông Trump từng nhiều lần gọi TPP là thảm họa của kinh tế Hoa Kỳ, sẽ khiến cả triệu công nhân Mỹ mất việc làm.
Vì thế, về mặt kỹ thuật, lời thông báo của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump sẽ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, xem như bản hiệp định bị hủy bỏ.
Cũng cần nói thêm hiện giờ Trung Quốc đang thực hiện điều Chủ Tịch Nhà Nước Tập Cận Bình đã nói là “Châu Á-Thái Bình Dương phải dốc sức xây dựng một cộng đồng cho một tương lai chung”, qua thỏa thuận Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, thường được gọi tắt là RCEP.
Thỏa thuận này đang được bàn thảo giữa 16 nước tham gia, trong đó bao gồm cả ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc trong vai trò quốc gia khởi xướng, nhưng không có Hoa Kỳ.
Các bản tin chúng tôi thu thập được trong những ngày qua cho thấy một số chuyên gia kinh tế dự đoán vì không còn TPP, nên nhiều quốc gia sẽ ghi tên tham gia thỏa thuận Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP.
Các bản tin cũng cho thấy RCEP chỉ là một thỏa thuận trao đổi mậu dịch, tức các nước tham gia đồng ý giảm mức thuế đánh vào hàng nhập khẩu, trong khi TPP buộc các nước tham gia phải mở rộng thị trường, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tuân thủ những quy định căn bản về lao động và môi trường khi sản xuất hàng để bán cho nước khác.