Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21

Rạng sáng ngày 28 tháng 7 theo giờ Việt Nam diễn ra hiện tượng nguyệt thực được cho là dài nhất thế kỷ 21.

Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ NASA cho biết nguyệt thực toàn phần kéo dài 1 tiếng 42 phút và 57 giây. Tuy nhiên kể từ khi bắt đầu cho đến kết thúc, nguyệt thực kéo dài tổng cộng 3 tiếng 54 phút.

Cao điểm nguyệt thực diễn ra vào lúc 20 giờ 22 phút GMT và có thể được nhìn thấy từ Châu Âu, Nga, Phi Châu, Trung Đông cũng như phần lớn của Á Châu và Úc Châu.

Hằng trăm người dân Úc Châu đến ngắm nguyệt thực từ Đài Quan Sát Sydney trước bình minh.

Các nơi trên thế giới từ Đền Taj Mahal ở Ấn Độ cho đến Tháp Eiffel ở Pháp, mọi người có thể chứng kiến hiện tượng gọi là Trăng Máu; tức Mặt Trăng chuyển từ màu cam sang nâu rồi đỏ thắm.

Theo dự báo thì hiện tượng nguyệt thực có cùng độ dài thời gian như vừa nêu sẽ tái diễn ra vào năm 2123.

Một hiện tượng thiên văn khác cũng được ghi nhận là Sao Hỏa sẽ quay gần Trái Đất nhất kể từ năm 2003. Nhờ đó các nhà quan sát thiên văn có thể nhìn thấy Sao Hỏa với màu đỏ cam.

Ông Robert Massey, Phó Giám Đốc Hội Thiên Văn Hoàng Gia Anh, được Reuters dẫn lời rằng hai hiện tượng nguyệt thực toàn phần và Sao Hỏa quay gần Trái Đất nhất như vừa nêu là một trùng hợp hết sức bất thường xảy ra trong cùng một thời điểm.

Suốt hằng ngàn năm qua, nhiều người trên Trái Đất suy đoán vận mệnh vui buồn, thắng thua, thịnh suy … thông qua những dấu chỉ thiên văn mà họ thấy được trên bầu trời. Tuy nhiên đối với các nhà thiên văn thì không có lý do gì để lo âu cả khi xuất hiện những hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ.