Các nhóm bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí quốc tế đồng loạt lên án việc Trung Quốc hiện đang giam giữ ít nhất 9 thân nhân của bốn ký giả Đài Á Châu Tự Do gốc Duy Ngô Nhĩ, sau khi một ký giả thứ năm Eset Sulaiman công bố tình trạng mất tích của thân nhân của mình. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch , đây được cho là hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc đối với các ký giả này sau khi họ có những bài báo độc lập lên án việc đàn áp và giam giữ hàng chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực tự trị Tân Cương.
Vừa qua, lực lượng an ninh ở Tân Cương đã bắt giam thân nhân của 4 ký giả Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma, và Kurban Niyaz. Trong số những người bị giam giữ có cha mẹ ruột của ký giả Hoja, người hiện sống tại Washington D.C và làm việc cho đài RFA từ 17 năm nay.
Ông Steven Butler, điều phối viên khu vực Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả- CPJ phát biểu: "Việc bắt giam thân nhân của các ký giả vượt quá thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc. Đó là hành động tàn bạo, nếu không nói quá là độc ác. Chính phủ Trung Quốc cần tính đến sức khoẻ, nơi ở, tình trạng pháp lý của những người đang bị bắt giữ này và cần phóng thích họ nhanh chóng".
Vào ngày 22 tháng 2, trang Facebook có tên Talk to East Turkestan chuyên ủng hộ quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cho đăng tải thông điệp của ký giả Hoja yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc thả bố mẹ và anh trai của cô. Hoja cho biết cô mất liên lạc với cha mẹ kể từ đầu tháng hai và nghi ngờ các lực lượng an ninh đã bắt cóc họ. Cô cũng rất lo lắng về tình trạng sức khoẻ của cha mình bởi lần gần đây nhất cô có thể liên lạc được với cha mình thì ông đang nằm viện và bị liệt một phần cơ thể. Đài RFA dẫn lời tổ chức CPJ cho biết, anh trai của Hoja cũng đang bị giam giữ từ tháng 09 năm 2017 vì công việc của em gái mình.
Cũng theo The Washington Post, đã có khoảng 20 người thân thuộc của ký giả Hoja đã bị chính quyền bắt giữ vì những bài báo của cô.
Đài RFA cũng cho CPJ biết rằng chính quyền Trung Quốc hiện đang giam giữ hai người anh của ký giả Hoshur là Shawket và Rexim Hoshur từ tháng 9 năm 2017 trong trại cải tạo. Trước đó, hai người này cũng đã từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giam từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015, để trả đũa cho việc Hoshur thực hiện các bài báo liên quan đến vấn đề Tân Cương. Người anh thứ ba của Hoshur tên là Tudaxun cũng đang bị bắt giam từ năm 2015 vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia, The Washington Post cho biết thêm.
Cũng theo báo cáo của CPJ, Ahmetjan và Abduqadir Juma, hai người anh trai của ký giả Juma, Phó GĐ ban tiếng Tân Cương của đài RFA cũng đã bị bắt từ tháng 5 năm 2017. RFA cho biết, gia đình ký giả không biết Ahmetjan bị giam ở đâu, còn người anh trai Abduqadir thì hiện đang bị giam giữ ở Nhà tù số 1, nơi giam giữ các tù nhân chính trị trong điều kiện vô nhân đạo ở quận Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương và gia đình không thể thăm nom.
Theo The Washington Post và RFA, Hasanjan, anh trai của ký giả Niyaz, cũng đã bị bắt vào tháng 5 năm 2017 tại quận Bugur, khu vực Tân Cương với những cáo buộc liên quan đến "mâu thuẫn sắc tộc"
Tổ chức Ân xá Quốc Tế trong kêu gọi trả tự do cho thân nhân của ký giả Hoja nêu rõ là người dân tại Hoa Lục thường bị bắt giam nếu như họ thực hành một tín ngưỡng tôn giáo nào đó hoặc bị cho có mối quan hệ với “các tổ chức hay cá nhân ở nước ngoài”. Ngoài ra họ cũng có thể bị bỏ tù trong những chiến dịch gọi là ổn định xã hội. Thân nhân của họ nếu có hoạt động trong lĩnh vực tương tự cũng bị bỏ tù. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ bắt giữ những người nhận các cuộc gọi từ nước ngoài và tìm cách đảm bảo không người dân nào có thể sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hoá mà thay vào đó phải sử dụng các ứng dụng trong nước không được mã hoá.