Trung Quốc đã bỏ tài trợ cho 15 dự án nhiệt điện than ở nước ngoài sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố cấm việc cung cấp vốn cho các dự án này vào tháng chín năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn 18 dự án nhiệt điện than do Trung Quốc tài trợ vẫn được tiếp tục, theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsiki, Phần Lan.
Trung Quốc hiện là nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Nước này cũng cam kết sẽ cắt giảm khí thải carbon vào năm 2030 và đạt carbon trung hoà vào năm 2060nhưng điều này không bao gồm các đầu tư cho các dự án nhiệt điện than tại nước ngoài.
Trung Quốc hiện cũng đã lên kế hoạch xây dựng khoảng 67 nhà máy nhiệt điện than ở hơn chục nước.
Theo các nhà nghiên cứu ở CREA, mối quan ngại chính là Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án ở các khu công nghiệp theo Sáng kiến Vành Đai Con Đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Trung Quốc hồi tháng ba vừa qua ban hành hướng dẫn, theo đó yêu cầu các nhà đầu tư phải cẩn trọng với các dự án than. Điều này có thể khiến Trung Quốc ngừng tài trợ cho 32 dự án và xem xét lại 36 dự án khác đang được tiến hành, theo báo cáo của CREA.
Tuy nhiên, theo CREA, khoảng 18 dự án khác đang được thực hiện với công suất 19.2 gigawatt đã nhận được phép và vốn để tiếp tục tiến hành.
Phần lớn các dự án này là tại Indonesia nơi Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la vào các mỏ quặng nickel và các mỏ quặng khác cho công nghiệp điện tử, theo số liệu của Global Energy Monitor.
Việt Nam và Bangladesh gần đây cũng đã yêu cầu Trung Quốc cho xây dựng các dự án khí đốt thay vì các dự án nhiệt điện than đã đồng ý trước đó.