Giới chức Trung Quốc hôm thứ ba ngày 27/2 lên tiếng bảo vệ biện pháp tạm giữ của Ủy ban Giám sát Quốc gia đối với những nghi phạm bị ủy ban này điều tra.
Ủy ban Giám sát Quốc gia là cơ quan có quyền điều tra tất cả mọi nhân viên của nhà nước.
Ủy ban này đã bị chỉ trích vì không bảo vệ quyền lợi của người tình nghi trong quá trình điều tra. Ủy ban này sử dụng biện pháp gây tranh cãi là tạm giữ nằm ngoài hệ thống luật hình sự đang tồn tại của Trung Quốc.
Ông Zhang Shuofu, người đứng đầu ủy ban Giám sát ở Bắc Kinh, một trong 3 văn phòng được thành lập năm 2017 trước khi Ủy ban Giám sát Quốc gia thành hình, hôm 27 tháng 2 lên tiếng bảo vệ việc áp dụng biện pháp tạm giữ nghi phạm, gọi đây là một bước đi cần thiết độc đáo để đấu tranh chống tham nhũng.
Ông nói với phóng viên rằng các tội lớn có liên quan đến quan chức không đơn giản như các tội thông thường và việc điều tra cũng không thể giống như với điều tra tội thông thường. Đó là lý do vì sao Trung ương đảng đã thông qua biện pháp này.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố thay đổi hệ thống cũ thường gọi là shuanggui bằng hệ thống tạm giữ mới. Theo cách cũ shuanggui, những đảng viên sẽ phải có mặt tại các địa điểm thẩm vấn theo địa chỉ và thời gian được các nhân viên điều tra sắp đặt.
Các nhóm nhân quyền cho rằng biện pháp cũ mà Trung Quốc áp dụng đã sử dụng các nơi thẩm vấn nằm ngoài hệ thống mà không có giám sát để tránh sử dụng tra tấn và bức cung.
Một số nhà hoạt động cho rằng biện pháp mới được Trung Quốc đưa ra thực chất chỉ là sự mở rộng biện pháp cũ dưới một vỏ bọc mới có tính pháp lý.