Trung Quốc biện minh cho công trình quân sự tại Biển Đông

Trung Quốc vào ngày 10 tháng 4 lên tiếng cho rằng Bắc Kinh có quyền tăng cường phòng thủ trên các đảo tại khu vực Biển Đông; tuy nhiên những biện pháp đó không nhằm đến bất cứ một quốc gia cụ thể nào cả.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, tuyên bố như vừa nêu trong thông cáo đăng trên trang chủ của cơ quan này như vừa nêu.

Cụ thể theo lời của người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì hoạt động bố trí quân sự là quyền tự nhiên của một quốc gia có chủ quyền nhằm giúp bảo về lãnh thổ và an ninh đất nước.

Mặc dù ông Nhậm Quốc Cường không nêu rõ chi tiết; tuy nhiên thông cáo vừa nêu được nhận định là lời giải cho câu hỏi được nêu ra là liệu hoạt động của Trung Quốc có phải nhằm đáp trả chiến dịch do Hải Quân Hoa Kỳ tiến hành nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.

Thông cáo vừa nêu của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Hoa Kỳ đưa 3 hàng không mẫu hạm đến khu vực Biển Đông và Nhật Bản trong thời gian gần đây.

Và vào ngày 9 tháng tư, mạng Wall Street Journal loan tin dẫn nguồn tình báo và một quan chức Quốc Phòng Hoa Kỳ rằng Trung Quốc vừa cho lắp đặt hệ thống phá sóng viễn thông và radar trên hai đảo nhân tạo được bồi lấp lên gần đây; đó là Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn.

Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông có sự tham dự của hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này là tàu Liêu Ninh cùng sự tham gia của Không Quân và lực lượng mặt đất.

Tại ba trong số 7 đảo nhân tạo tiền tiêu mà Trung Quốc bồi lấp lên tại quần đảo Trường Sa, gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, nay có tổng cộng chừng 3 ngàn thước đường băng, các vòm chứa chiến đấu cơ, boongke trữ đạn dược, doanh trại và những cầu cảng nước sâu cho tàu neo đậu.

Tại quần đảo Hoàng Sa cách Trường Sa chừng 500 dặm về phía bắc, từ năm 2016, Trung Quốc đã cho bố trí tên lửa đất đối không HQ-9, chiến đấu cơ J-11B.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra; tuy nhiên đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA tuyên là không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử.

Ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn có Brunei, Malayisa, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua.