Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đô đốc Harry Harris, vào ngày 14 tháng 2, lên tiếng cảnh báo về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, cụ thể qua hoạt động đơn phương xây dựng 7 căn cứ quân sự mới ở Biển Đông.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin và cho biết trong phiên điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, đô đốc Harry Harris nói rõ Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định chủ quyền tại những thực thể tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp quân sự hóa thêm nữa những đảo nhân tạo bồi lắp nên.
Đô đốc Harry Harris cho Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ biết là những cơ sở mới mà Trung Quốc lập nên gồm có nhà chứa máy bay, trạm radar, đường băng…
Trung Quốc nói khí tài ở Biển Đông không nhắm đến láng giềng
Trong khi đó, đặc sứ Philippines tại Bắc Kinh, ông Jose Sta Romana nói với báo giới hôm 14/2 rằng các thiết bị quân sự được Trung Quốc triển khai trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông không nhắm vào Philippines hay bất cứ nước láng giềng nào khác.
Ông Sta Romana đưa ra phát biểu này sau cuộc họp giữ giới chức hai nước về vấn đề biển Đông diễn ra tại Manila, Philippines hôm 13/2.
Đại sứ Jose Sta Romana nói thêm rằng việc trang bị quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là vì sự cạnh tranh giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và Mỹ liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ông cũng khẳng định mong muốn của chính phủ Philippines là duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, và duy trì độc lập trong chính sách ngoại giao, đạt được lợi ích cao nhất cho Philippines.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông, nơi một số nước ASEAN khác bao gồm Philippines cũng có chủ quyền. Đây là tuyến đường biển quan trọng của thế giới với ước tính khoảng 5 nghìn tỷ đô la trị giá hàng hóa qua lại mỗi năm.
Các hình ảnh vệ tinh thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc đang trong quá trình hoàn tất quân sự hóa khu vực Biển Đông bao gồm việc xây dựng các căn cứ không quân và hải quân trên 7 đảo mà nước này chiếm giữ ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải tại Mỹ mới đây cho biết họ đã phát hiện được những đường hầm, nhà chứa tên lửa, radar và anten tần số cao được lắp đặt trên các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ.
Đại sứ Sta Romana cho biết phía Philippines nhân dịp này cũng bày tỏ sự quan ngại của họ về việc quân sự hóa Biển Đông. Ông nói hai bên vẫn có ý kiến khác biệt. Phía Trung Quốc khẳng định họ có quyền đòi chủ quyền và thiết lập các cơ sở quân sự trên khu vực mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình.
Việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông trong các năm qua đã góp phần làm tình hình ở biển Đông thêm căng thẳng. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn khẳng định tình hình trong khu vực đã ổn định hơn trong thời gian qua bởi nỗ lực của các nước trong khu vực và nhất là sau khi ASEAN và Trung Quốc đạt được một bộ khung về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 8 năm ngoái. Theo dự kiến, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tham vấn về COC trong tháng 3 tới.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá bộ khung COC thiếu tính ràng buộc về pháp lý như mong muốn ban đầu vì những sức ép từ Trung Quốc.