Trung Quốc lần đầu tiên điều tàu tìm kiếm cứu hộ đến đảo nhân tạo ở Trường Sa tại Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho biết, theo kế hoạch vào ngày 30 tháng 7, tàu Nam Hải Cứu 115 sẽ bắt đầu nhiệm vụ đến đá Xu Bi, là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất trong số 7 căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Đây là nơi có tranh chấp chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tin cho biết Tàu Nam Hải Cứu 115 có thể mang theo trực thăng cỡ vừa và đây là lần đầu tiên, Trung Quốc điều tàu tìm kiếm cứu hộ đến Trường Sa, kể từ khi tiến hành xây dựng ở vùng biển này từ năm 2013.
Tân Hoa Xã dẫn lời của Giám đốc Cục Cứu hộ và Cứu nạn, thuộc Bộ Giao thông- Vận tải Trung Quốc, rằng Trung Quốc sẽ làm việc để cải thiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh, để thực hiện tốt hơn trách nhiệm cứu hộ hàng hải theo quy ước nghĩa vụ quốc tế.
Một nhân viên khác của Cục Cứu hộ và Cựu nạn, ông Đỗ Hải Bằng, còn cho Tân Hoa Xã biết Trung Quốc sẽ tiếp tục chế tạo các tàu cứu hộ lớn với thiết bị và công nghệ tiên tiến hơn, đồng thời sẽ triển khai các máy bay trực thăng với khả năng cứu hộ tốt hơn và nhanh hơn.
Cũng tin liên quan, Malaysia cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Mỹ và Trung Quốc về sự hiện diện quân sự của hai nước này tại khu vực Biển Đông.
Tờ Star của Malaysia vào ngày 30 tháng 7 dẫn lời của Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia như vừa nêu.
Phát biểu trước Quốc Hội Malaysia, Bộ trưởng Quốc Phòng Mohamad Sabu nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Biển Đông là rất đáng lo ngại, do đó Malaysia sẽ tăng cường các biện pháp đối thoại, ngoại giao với cả hai nước này nhằm tránh để khu vực Biển Đông trở thành một vùng chiến sự.
Malaysia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Trung Quốc đều tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, Bắc Kinh tiến hành xây dựng một loạt các tiền đồn quân sự ở khu vực biển có tuyến đường hàng hải quan trọng này. Hoa Kỳ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông.
Một số nhà quan sát tình hình Biển Đông bày tỏ lo ngại rằng những động thái của Bắc Kinh có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với các đảo nhỏ ở vùng biển tranh chấp này.