Đài Loan hôm 8/4 cho biết, nước này sẵn sàng bắn hạ các thiết bị drone (hay còn gọi là máy bay không người lái - UAV) của Trung Quốc đã và đang bay gần vùng đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát trong khu vực Biển Đông. Theo giới phân tích, đây được xem là phản ứng của nước này trước các áp lực mới nhất từ Bắc Kinh.
Ông Lee Chung-wei, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại dương nói với cơ quan lập pháp Đài Loan rằng Lực lượng Cảnh sát biển Đài Loan gần đây đã phát hiện được các thiết bị bay không người lái của Trung Quốc đang hoạt động gần đảo Đông Sa, cách Hồng Kông khoảng 170 hải lý về phía Đông Nam.
Ông Lee cho biết các lực lượng của Đài Loan sẽ nổ súng vào các thiết bị bay không người lái bay trên vùng đảo này – nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
“Nếu chúng tôi cần nổ súng, chúng tôi sẽ nổ súng” – ông Lee nói và cho biết các máy bay không người lái này cho đến nay mới bay vòng quanh trên quần đảo Đông Sa và chưa phát hiện thấy có hành động tương tự ở gần đảo Ba Bình – căn cứ quân sự của Đài Loan thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Lee không nói cụ thể Trung Quốc đang đưa thiết bị không người lái loại nào đến Đông Sa.
Ông Lee mô tả những chuyến bay của các thiết bị không người lái này là một dạng hoạt động “vùng xám”, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường gây áp lực đối với Đài Loan.
Như RFA đã đưa tin trong tháng 2, máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành nhiều chuyến bay thường xuyên qua khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong nhiều tháng liên tục, trong đó có cả việc bay qua phía Tây Nam của khu vực nhận diện phòng không này gần Đông Sa.
Bộ Quốc phòng Đài Loan thông tin về con số kỷ lục 20 máy bay của PLA đi vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan vào ngày 26/2.
Jessica Drun, một nghiên cứu viên thuộc Học viện Dự án 2049 nói với RFA rằng “các hoạt động vùng xám này là một nỗ lực làm Đài Loan mệt mỏi về mặt tâm lý và cả từ góc độ nguồn lực”.
“Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Đài đang ở mức độ sâu sắc nhất từ trước tới nay, người dân trong nước Đài Loan ít nhiều đang phản đối quan điểm và kế hoạch của Trung Quốc về mối quan hệ Trung – Đài và một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên thế giới” – bà Drun nói.
Mặc dù Đài Loan là một quốc gia dân chủ tự chủ, Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và sẽ thôn tính bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.
Mặc dù nhiều khả năng, các thiết bị drone đang hoạt động gần quần đảo Đông Sa được sử dụng phục vụ việc do thám hoặc kiểm tra quyết tâm của Đài Loan, các nhà nghiên cứu của PLA đã từng viết về khả năng Trung Quốc sử dụng các hệ thống vũ khí không người lái trong các kịch bản chiến đấu có liên quan tới Đài Loan.
Ví dụ, gần đây các nghiên cứu viên PLA đã xuất bản các nghiên cứu về sử dụng những tàu không người lái, nhiều đoàn các máy bay không người lái và các vật thể bay không người lái giống máy bay trực thăng trong các chiến dịch đổ bộ như những nỗ lực xâm chiếm Đài Loan hoặc tịch thu các quần đảo nhỏ như Đông Sa và đảo Ba Bình.
![ĐL 2.png](https://www.rfa.org/resizer/v2/LOTF3WCWWAT75RR34GSQ2RRY5Y.png?auth=306747e6b80c794fad12f404307144dbb3b890d9dd5f044ac87999d909863053&width=800&height=741)
Michael Mazza, một học giả đang nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho rằng đảo Đông Sa có thể là một “mục tiêu hấp dẫn” đối với Trung Quốc.
"Một ngày nào đó Trung Quốc có thể muốn chiếm những đảo này. Đây có thể như một bước tấn công Đài Loan, một biện pháp để ép buộc Đài Loan phải thống nhất, một cách để kiểm tra phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc tấn công vào một trong những đảo ngoài khơi của Đài Loan hoặc có thể là một phần của nỗ lực tăng cường kiểm soát trên biển Đông"' – nhà nghiên cứu này nói.
Đài Loan và Trung Quốc là hai trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền trong khu vực biển Đông đang có tranh chấp. Các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Cùng lúc Trung Quốc đang gây căng thẳng để khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên diện rộng ở biển Đông và gây áp lực đối với Đài Loan, các quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự của họ ở đây.
Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự song phương với Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) ở biển Đông vào thứ Ba và thứ Tư tuần này.
“Hai ngày diễn tập nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ song phương và ngoại giao quân sự” - Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia tuyên bố và cho biết các hoạt động diễn tập giúp "tăng cường khả năng tương tác và hợp tác tổng thể giữa hai lực lượng”.