Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) hôm 28/4 ra báo cáo kêu gọi các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách nhân dịch bệnh COVID-19, tránh con đường phát triển không bền vững với môi trường thời trước khi dịch bệnh bùng phát.
UNDP kêu gọi những cải cách dựa trên quyền con người, sự công bằng trong hợp đồng giữa các chính phủ và người dân, đảm bảo những mạng lưới xã hội an toàn với bảo hiểm y tế rộng khắp, sự tiếp cận với internet giá rẻ.
Theo báo cáo, dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc từ hồi cuối năm ngoái nay đã lan rộng ra toàn cầu và đang đặt ra gánh nặng về kinh tế, xã hội đối với nhiều quốc gia trong khu vực bất chấp sự thành công của một số quốc gia trong việc khống chế bệnh dịch như Việt Nam.
Báo cáo đánh giá ảnh hưởng về mặt kinh tế do dại dịch COVID-19 lần này tương đương như thời khủng hoảng tài chính năm 2009 khi hàng loạt các nước tiến hành các biện pháp khống chế dịch như hạn chế các hoạt động bên ngoài của người dân. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là chuỗi giá trị và nguồn cung cho sản xuất khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Trung Quốc.
Khủng hoảng về xã hội của đại dịch được đánh giá qua việc hàng triệu người bị mất việc trong khu vực. Chỉ riêng việt Nam, ngay trước khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lan sang châu Âu và Mỹ, con số người mất việc được ước tính từ 350.000 đến 820.000 người.
UNDP cũng cảnh báo ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sự ổn định tài chính trong khu vực và cho rằng các quốc gia đang đứng bên bờ vực của bất ổn về tài chính do thâm hụt tài chính và gánh nợ. Một nửa số quốc gia trong khu vực báo cáo thâm hụt tài chính, và Việt Nam được UNDP cho là khá lớn.
Nợ công lớn, theo UNDP, đã ảnh hưởng đến khả năng đối phó với dịch bệnh của các chính phủ.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia trong khu vực phải tìm cách hạn chế sự gia tăng trong thâm hụt tài chính và nợ quốc gia ở mức có thể kiểm soát được qua việc thay đổi những ưu tiên trong ngân sách.