Pháp thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Pháp tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, gửi tàu chiến qua Biển Đông và lên kế hoạch tập trận phòng không trên vùng biển với các căn cứ quân sự được xây lấp trái phép của Trung Quốc.

Cuối tháng 5, một tàu quân sự của Pháp Dixmude và một tàu khu trục đi qua quần đảo Trường Sa và tuần tra gần tiền đồn mà Trung Quốc lập nên trên các đảo nhân tạo mà nước này xây lấp.

Trong một bài báo đăng trên tờ The Wall Street Journal, chỉ huy tàu Dixmude, ông Jean Porcher kể lại các tàu chiến Trung Quốc đã theo sau con tàu Pháp khi họ đi qua quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ông Porcher cho biết tàu Pháp duy trì liên lạc vô tuyến với các tàu quân sự Trung Quốc có mặt trong khu vực cho đến khi tàu Dixmude rời đi.

Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu trong việc đối đầu với Trung Quốc về các tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông với một số nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Pháp và Anh là các quốc gia châu Âu thường xuyên gửi lực lượng hải quân vào khu vực này. Pháp đưa tàu vào Biển Đông ba đến năm lần một năm.

Vào tháng 8 tới đây, không quân Pháp sẽ thực hiện đợt tập trận lớn nhất tại Đông Nam Á như là một phần trong chiến lược đánh dấu sự hiện diện của Pháp trong khu vực này. Ba máy bay chiến đấu Rafale, một tàu vận tải quân đội A400M và một tàu chở dầu tiếp nhiên liệu C135 sẽ bay từ Úc đến Ấn Độ.

Các hoạt động trên biển và hàng không gần đây của Pháp được thực hiện sau chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron đến Úc hồi tháng trước. Tại đây ông nói về sự cần thiết phải bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khỏi sự bá quyền không cần che đậy của Trung Quốc. Ông nói với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull rằng cần thiết phải bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Tổng thống Pháp dường như đang "đánh giá thực tế thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc", Jonas Parello-Plesner, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hudson ở Mỹ, người đã quan sát chuyến đi hải quân Pháp gần đây cho biết.

Từ năm 2014, hải quân Pháp đã cho tàu tuần tra vùng Biển Đông như là một cách duy trì tự do hàng hải trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (nay là Bộ trưởng Ngoại giao) kêu gọi hải quân các nước châu Âu khác nên hiện diện thường xuyên tại khu vực Biển Đông.

Một chuyên gia về khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, cho biết sự khẳng định ngày càng tăng của Pháp cho thấy Mỹ không còn là nước duy nhất ở phương tây tham gia vào khu vực Biển Đông.