Thêm những cuộc biểu tình khác nữa đang được chuẩn bị diễn ra trong tuần này sau khi hằng trăm ngàn người Hong Kong vào ngày Chủ Nhật 18 tháng 9 đội mưa biểu tình chống chính phủ đặc khu sang đến tuần thứ 11.
Reuters loan tin ngày 19 tháng 8 cho biết tổng số người tham gia biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong vào ngày 18/8 là 1 triệu 700 ngàn người. Điều này cho thấy phong trào biểu tình chống chính phủ đặc khu vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi bất chấp những vụ hỗn loạn vào tuần qua khi những người biểu tình tiến chiếm sân bay Hong Kong.
Phía cảnh sát Hong Kong vào ngày thứ hai 19 tháng 8 thừa nhận đợt biểu tình vào ngày 18 tháng 8 hầu như ôn hòa; tuy nhiên cũng có những vụ vi phạm luật lệ xảy ra vào chiều tối 18/8 khi một số người biểu tình bôi bẩn lên các tòa nhà và chiếu tia laser vào cảnh sát.
Đợt biểu tình chống chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong lần này được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền tại Trung Quốc từ năm 2012.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7 năm 1997 với thỏa thuận đây là đặc khu hành chánh với qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ . Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng can thiệp mạnh vào Hong Kong.
Vào tháng 6, những cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc. Đặc khu trưởng Hong Kong sau đó phải cho hủy bỏ dự thảo luật này. Tuy vậy, những cuộc biểu tình tiếp diễn để đòi hỏi dân chủ thực sự cho Hong Kong.
Cũng tin liên quan, vào ngày thứ hai 19 tháng 8, đảng Lao động đối lập tai Anh kêu gọi chính quyền London phải nói chuyện trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong. Đảng này cũng đề nghị chính quyền Trung Quốc tôn trọng cam kết ‘một quốc gia, hai thể chế’ đối với Hong Kong.
Phát ngôn nhân John McDonnell chuyên về chính sách tài chính của đảng Lao Động Anh nói rõ quan điểm đứng về phía những người tôn trọng thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh khi trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc.