Indonesia thúc đẩy các nước Đông Nam Á tuần tra biển Đông

Indonesia vận động các nước Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông nhằm cải thiện tình hình an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu vào ngày 16 tháng 3 cho biết như vậy trong một cuộc họp trước hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia sẽ diễn ra tại Sydney trong hai ngày cuối tuần này.

Indonesia cho biết Jakarta không có tranh chấp tại Biển Đông nhưng nước này đã va chạm với Trung Quốc trong các vấn đề về quyền đánh bắt cá ở quần đảo Natuna và mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó, cũng như đã đổi tên vùng cực bắc của vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhằm khẳng định các yêu sách về biển.

Ông Ryacudu nói ông đã gặp các bộ trưởng quốc phòng của các nước ASEAN và mỗi quốc gia giáp với Biển Đông sẽ tuần tra khoảng 200 hải lý (230 km.)

Ông Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết nước ông đang tập trung vào ba khu vực, đặc biệt là vùng biển Sulu, eo biển Malacca và các vùng biển xung quanh bờ biển Thái Lan, cũng như đề cập đến việc hợp tác hiện tại với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Philippines.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông, một tuyến thương mại quan trọng và được cho là chứa một lượng lớn dầu lửa và khí đốt tự nhiên. Hiện nước này đã xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa những thực thể đó ở Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã tức giận trước các hoạt động tuần tra trên biển của Hoa Kỳ và xem động thái này là một sự khiêu khích.

Australia nói không đứng về bất kỳ bên nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông nhưng đã ủng hộ các hoạt động tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ.

Mặc dù không phải là một thành viên của khối 10 quốc gia ASEAN, việc Australia tổ chức cuộc họp thượng đỉnh được đánh giá nhằm tìm cách thắt chặt quan hệ chính trị và thương mại trong khu vực vào khi Trung Quốc đang cố gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.