Phái đoàn thường trực của Nhật Bản ở Liên Hiệp Quốc hôm 19/1 đã gửi một công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres để phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) đưa ra vào năm 2016 trong vụ kiện về vấn đề Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Trong công hàm của mình, Nhật Bản khẳng định việc Trung Quốc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông là không phù hợp với Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc hiện áp dụng đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996 đến nay. Có nhiều dự đoán cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng đường cơ sở thẳng với các nhóm đảo khác là Trường Sa, Trung Sa và Đông Sa mà Trung Quốc gọi là Tứ Sa. Đây là các nhóm đảo vẫn đang có tranh chấp giữa các nước.
Cũng theo công hàm của mình, Nhật Bản đã nói đến vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản viện dẫn phán quyết của toà PCA đưa ra vào năm 2016, xác định rằng các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa không thể gọi là đảo và do đó không có vùng lãnh hải và vùng trời được xác định như với các đảo. Vì vậy, quyền tự do hàng hải và hàng không qua các thực thể này phải được đảm bảo theo UNCLOS.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết này và khẳng định rằng mình có chủ quyền đối với vùng biển và vùng trời xung quanh và phía trên các thực thể nửa chìm nửa nổi", công hàm của phía Nhật Bản có đoạn viết.
"Trên thực tế, Trung Quốc đã phản đối việc máy bay của Nhật Bản bay qua vùng trời quanh Đá Vành Khăn và tìm cách hạn chế tự do hàng không ở khu vực Biển Đông", công hàm viết tiếp.
Công hàm của phái đoàn thường trực Nhật Bản gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là công hàm mới nhất trong một loạt các công hàm tương tự được các nước gửi lên Liên Hiệp Quốc từ tháng 12 năm 2019 và trong suốt năm 2020 đến nay.
Các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng đều đã gửi công hàm lên UN để phản đối Trung Quốc.
Ngoài ra, một loạt nước không nằm trong khu vực Biển Đông cũng đã có công hàm tương tự bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Đức và Anh.