Nhật tưởng niệm 70 năm ngày đầu hàng quân đội đồng minh

"Chiến tranh là một sự buồn tiếc sâu sắc". Đó là lời nói của Hoàng đế Nhật Bản Akihito tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng quân đội đồng minh, chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cách đây đúng 70 năm vào thời điểm giữa trưa, người cha quá cố của ông là Hoàng đế Hirohito tuyên bố trên đài truyền thanh quốc gia rằng nước Nhật buông súng đầu hàng.

Trong buổi lễ ngày hôm nay người ta cũng dành một khoảnh khắc im lặng để kỷ niệm bài tuyên bố đầu hàng đó.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ vô danh tại nghĩa trang quốc gia.

Vào ngày hôm qua, ông Abe cũng có nói rằng ông bày tỏ niềm hối tiếc về chiến tranh thế giới lần thứ hai. Người ta cho rằng sự hối tiếc của ông Abe lần này cũng giống như những người tiền nhiệm của ông đã làm.

Điều này đã làm cho hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc không hài lòng. Hai quốc gia này đã chịu nhiều đau khổ khi quân đội Nhật chiếm đóng đất nước của họ trong thế chiến thứ hai.

Trung Quốc và Hàn Quốc nói rằng diễn văn của ông Abe vào hôm thứ sáu không phải là một lời xin lỗi nghiêm chỉnh của Nhật bản. Còn Bắc Hàn thì bảo rằng diễn văn của ông Abe là một sự chế giễu cả dân tộc Triều Tiên, và điều đó không thể tha thứ được.

Sự không hài lòng của Seoul và Bắc kinh càng mạnh hơn nữa khi có đến 3 vị bộ trưởng trong Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe cùng một số đại biểu quốc hội đến thăm viếng ngôi đền Yasukuni, nơi thờ các binh sĩ Nhật chết trận.

Những người đến đền Yasukuni nói là họ chỉ muốn tỏ niềm cung kính trước những người đã hy sinh vì tổ quốc, nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc lại nhìn thấy rằng ngôi đền này có thờ những tội phạm chiến tranh từng gây đau thương cho đất nước của họ, và việc thăm viếng ngôi đền là một biểu hiện của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Trong thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc vào ngày hôm nay người ta thấy nói rằng việc các nhà chính trị Nhật Bản viếng thăm ngôi đền chứng tỏ rằng nước Nhật có thái độ sai trái trong cách nhìn về quá khức chiến tranh của họ, và điều này làm cho Bắc Kinh rất không hài hòng.

Trong khi đó thì phản ứng từ Manila về Nhật Bản lại hoàn toàn tích cực.

Bộ trưởng ngoại giao Philippines ông Albert Del Rosario nói rằng từ khi chiến tranh kết thúc đến nay Nhật Bản đã cư xử một cách nhân ái, nhân dân hai nước đã vượt qua những khúc mắc của lịch sử tiến tới xây dựng một tình hữu nghị và niềm tin lẫn nhau.

Nhật Bản hiện nay là một nguồn việc trợ lớn cho Philippines và hai quốc gia đang có nhiều cố gắng hợp tác về quân sự với nhau trong bối cảnh Trung quốc ngày càng mạnh mẽ lấn lướt trên biển Đông.

Đã có nhiều nguồn tin nói rằng Nhật sẽ viện trợ cho Phi các máy bay tuần thám hiện đại trên biển, còn hải quân hai nước thì đã cùng nhau tập trận không xa quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc đang gia tăng các cơ sở hậu cần và quân sự của mình, và Trung Quốc cũng đã từng giành từ tay người Phi một bãi đá để thiết lập cơ sở trên vùng biển đang tranh chấp này.

Tại Trân Châu cảng, tiểu bang Hawaii của Hoa kỳ cũng diễn ra lễ kỷ niệm chiến tranh kết thúc.

Có mặt tại buổi lễ là thị trưởng hai thành phố kết nghĩa Nagaoka của Nhật Bản, và Honolulu của Hoa kỳ. Một màn trình diễn pháo hoa được thực hiện với ánh pháo mang hình hoa cúc trắng, một biểu tượng của Nhật Bản dùng để vinh danh những người đã khuất.

Ông Thị trưởng thành phố Nagaoka nói rằng ông muốn đến Trân Châu cảng là nơi chiến tranh bắt đầu để tưởng niệm những người đã ngã xuống và mong mỏi hòa bình đến cho toàn thế giới.

Ông Thị trưởng Honolulu đáp lời rằng phải hiểu rõ quá khứ thì mới đi tới tương lai được.

Trân Châu cảng là nơi mà Nhật Bản bất ngờ tấn công nước Mỹ vào tháng 12 năm 1941, bắt đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.

Còn Nagaoka lại là quê nhà của cố đô đốc Isoroku Yamamoto, người đã ra lệnh tấn công Trân Châu Cảng.