Phái đoàn thường trực của Malaysia ở Liên Hợp Quốc (UN) vừa gửi công hàm lên UN vào ngày 29/7 bác bỏ "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông cũng như các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý tại vùng nước tranh chấp.
Malaysia là nước thứ 6 đệ trình công hàm lên UN phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông tính từ tháng 12 năm ngoái tới nay. Năm nước khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Mỹ và Australia.
Malaysia khẳng định đệ trình của quốc gia này lên Ủy ban về giới hạn thềm lục đia (CLCS) về phần mở rộng của thềm lục địa Malaysia ngoài 200 hải lý là hoàn toàn phù hợp với quy định của nước này dưới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Malaysia đã gửi công hàm lên CLCS để đăng ký phần thềm lục địa mở rộng này.
Trong công hàm mới, Malaysia đề cập tới công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc, và “bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với khu vực biển trong đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông, theo Công ước về luật biển của UN 1982 (UNCLOS)
Malaysia cho rằng yêu sách của Trung Quốc về các thực thể địa lý tại đây là hoàn toàn vô căn cứ theo luật quốc tế.
Trước đó, ngày 23/7, Úc đã trình công hàm tương tự lên Liên Hiệp Quốc, phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp về chủ quyền giữa nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.
Úc và Mỹ dù không có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực này nhưng có quyền lợi về tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.