Theo một thăm dò vào ngày thứ ba, 26 tháng 7, đa số dân chúng Thái Lan không biết là sẽ đồng ý hay không bản Tân Hiến Pháp được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng tới.
Bản Tân Hiến pháp này được giới quân nhân cầm quyền soạn thảo nói là để củng cố sự ổn định của đất nước, nhưng ngược lại cũng có những chỉ trích cho rằng bản Tân Hiến pháp sẽ tạo thêm ảnh hưởng cho giới quân nhân cầm quyền.
Những nhà hoạt động xã hội nói rằng những cuộc vận động cho trưng cầu dân ý chỉ diễn ra có một chiều, tức là những thông tin từ phía chính quyền của giới quân đội mà thôi, còn những cuộc vận động chống bản Hiến pháp mới lại bị cấm, với những hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Các tướng lĩnh Thái Lan cầm quyền tại đất nước này sau khi lật đổ thủ tướng dân cử là bà Yingluck Shinawatra vào năm 2014.
Từ đó đến nay đất nước Thái vẫn bị chia rẽ giữa nhóm dân chúng ủng hộ bà cựu Thủ tướng và giới quân nhân cầm quyền.
Thủ tướng hiện nay là Tướng Prayuth Chan O Cha nói rằng bất kỳ kết quả của trưng cầu dân ý như thế nào thì chính phủ cũng sẽ tổ chức bầu cử chính quyền dân sự vào năm tới như đã hứa.