Tòa Myanmar từ chối cho hai nhà báo Reuters tại ngoại

Vào ngày 1 tháng Hai năm 2018, tòa án Yangoonn đã bác đơn xin tại ngoại của 2 nhà báo người Miến Điện làm việc cho hãng thông tấn Reuters.

Hai nhà báo có tên là Wa Lone, 31 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, bị cảnh sát Myanmar bắt giữ từ hồi tháng 12 năm ngoái với cáo buộc tội đánh cắp tài liệu bí mật quốc gia.

Cả 2 nhà báo này đều khai với nhân viên điều tra là họ được 2 nhân viên cảnh sát mời dùng cơm tối rồi trao cho họ một phong bì nhưng họ không biết bên trong chứa đựng những gì. Họ vừa cầm phong bì trên tay thì bị an ninh ập vào bắt giữ.

Một số quốc gia và những tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng phản đối việc chính quyền Miến Điện bắt giữ 2 nhà báo này, xem đó là hành động ngăn chặn quyền tự do báo chí, vì trước khi bị bắt, nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo là những người giúp hãng thống tấn Reuters đưa tin về chuyện binh sĩ và an ninh Miến Điện đàn áp người Hồi Giáo Rohingya. Chiến dịch đàn áp của an ninh Myanmar đã đẩy 668,000 người thuộc tập thể thiểu số này phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Trong một diễn tiến khác có liên quan, vào ngày 1 tháng 2 hãng thông tấn quốc tế AP cho hay những người Rohingya tạm cư ở Bangladesh nói rằng có ít nhất 75 người dân làng Gu Dar Pyin bị binh sĩ Myanmar nã súng bắn chết và chôn xác ở 5 mồ chôn tập thể.

Bản tin của AP cũng nói vụ bắn giết xảy ra từ hôm 27 tháng Tám năm ngoái, và con số người trong làng này chết có thể lên tới 400 người.

Làng Gu Dar Pyin là một trong những ngôi làng của người Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine, là nơi quân đội Myanmar mở những cuộc hành quân để truy lùng khủng bố. Tuy nhiên, theo những người Rohingya, quân đội Myanmar chỉ lấy danh nghĩa bài trừ khủng bố để đàn áp họ: bắn giết, đốt nhà, hãm hiếp, cướp của.

Ngay sau khi tin này được công bố, đại diện nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện là bà Yanghee Lee gọi đây là hành động diệt chủng, vì binh sĩ Miến cố ý nổ súng giết người Rohingya. Ông Phil Robertson, phụ tá giám đốc Châu Á của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chính phủ Myanmar phải nhận lãnh trách nhiệm về những việc làm tàn bạo này.

Quân đội và chính phủ Myanmar chưa lên tiếng nói gì về tin này, nhưng trong quá khứ, cả chính phủ dân sự do Bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo và quân đội đều lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, cũng như những lời chỉ trích của công đồng quốc tế.

Cũng vào ngày 1 tháng 2, tin từ chính phủ Miến nói rằng một kẻ lạ mặt đã ném bom xăng vào khu vực nhà riêng của bà Aung San Suu Kyi tại thành phố Yangoon.

Theo ông Zaw Haty, phát ngôn viên chính phủ, cuộc điều tra tìm thủ phạm đang được tiến hành. Ông cũng cho biết vụ tấn công chỉ gây thiệt hại không đáng kể.

Được biết lúc vụ việc xảy ra, bà Suu Kyi đang ở thủ đô Naypyidaw, nói chuyện trước quốc hội về những thành quả mà chính phủ do bà lãnh đạo đạt được trong 2 năm qua, kể từ khi lên cầm quyền vào đầu năm 2016.