Người tị nạn Myanmar ở Thái Lan hy vọng được về nhà trong hòa bình

Chín mươi ba người tị nạn Myanmar sống tại các trại ở Thái Lan đã về nhà từ hôm thứ Hai 7 tháng 5. Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết đây là lần thứ hai diễn ra hoạt động này kể từ năm 2016, đồng thời nói họ hy vọng đóng cửa một số trại tị nạn lâu đời nhất châu Á.

Khoảng 100.000 người tị nạn từ Myanmar, đa số là người dân tộc thiểu số Karen, đã sống trong chín trại tị nạn ở Thái Lan dọc biên giới với Myanmar. Nhiều người trong số đó đến đây kể từ khi quân đội Myanmar bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công chống lại du kích quân Karen vào đầu những năm 1980.

Chính phủ Myanmar và phía du kích quân độc lập đã thỏa thuận hòa đàm, đồng thời hy vọng rằng những người tị nạn sẽ được về nhà. Tuy vậy, vẫn có những cuộc đụng độ không thường xuyên ở miền đông Myanmar được báo cáo trong những tháng gần đây.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc tuyên bố những người tị nạn Myanmar đã rời đi vào thứ Hai từ năm trại, sau đó chia thành hai nhóm đi qua các bang Karen và Kayah của Myanmar.

Cơ quan này nói thêm: "Người tị nạn ở Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở về nhà và đã bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai của họ ngoài các trại ở Thái Lan, với hy vọng quê nhà của họ sẽ có hòa bình và ổn định."

Bản tin hãng Reuter nhận định chính phủ mới của Myanmar do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu đã chấm dứt các cuộc nổi loạn trong thời gian dài bởi các nhóm du kích sắc tộc thiểu số.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công năm ngoái của một nhóm quân du kích người Hồi giáo Rohingya ở miền tây Myanmar đã gây ra một cuộc tấn công của chính phủ Myanmar chống lại nhóm này, kéo theo cuộc di cư của khoảng 700.000 người Rohingya tới Bangladesh.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết vào hôm thứ Ba rằng tình hình ở bang Rakhine, phía tây Myanmar là "chưa có lợi cho sự quay về của những người tị nạn Rohingya".

Thái Lan cũng là nơi mà một số người Việt đến để tìm qui chế tỵ nạn. Gần đây chính phủ Thái cảnh báo số người bị cho là cư trú và lao động bất hợp pháp tại nước này hãy trở về nước, nếu không sẽ phải đối mặt với những biện pháp pháp lý nghiêm khắc của Thái.

Theo số liệu thống kê không chính thức vào tháng 5 năm 2017, đã có khoảng 150 gia đình người Thượng Tây Nguyên đang xin quý chế tị nạn ở Thái Lan, nhưng nhiều người trong số họ đã không đậu phỏng vấn của Liên Hợp Quốc.