Báo cáo mới về tình trạng hệ sinh thái bị hủy hoại do Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông

Hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy hệ sinh thái tại khu vực biển này đến bờ hủy diệt.

Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo do Quỹ Nghiên Cứu Observer của Ấn Độ (Observer Research Foundation) thực hiện và được Mạng ANI loan đi ngày 10 tháng 3. Báo cáo có tên ‘In deep water: Current threats to the marine ecology of the South China Sea’, tạm dịch ‘Những mối đe dọa hiện nay đối với hệ sinh thái dưới biển tại khu vực Biển Đông’

Báo cáo nêu rõ các hoạt động xây dựng ở các đảo mà Trung Quốc cải tạo, cộng với hoạt động khai thác dầu khí và đánh bắt quá mức của nước này khiến các rạn san hô cũng như sinh vật biển bị hủy diệt. Thực trạng này đe dọa đến an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven bờ.

Theo báo cáo, lâu nay hệ sinh thái tại khu vực Biển Đông từng phải chịu áp lực khi đây là một tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Bên cạnh đó tình trạng biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng và nhiệt độ tăng cũng gây nên những thiệt hại về dài hạn.

Hai chuyên gia chuyên phân tích về Biển Đông tại ORF là Pratnashree Basu và Aadya Chaturvedi nêu rõ mối quan hệ mật thiết giữa Biển Đông với toàn thể khu vực.

Cảnh báo về hệ sinh thái biển tại Biển Đông bị các hoạt động bôi lấp để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc từng được giới chuyên gia đưa ra lâu nay.

Vào tháng 10 năm ngoái, trong một phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông John McManus, một giáo sư chuyên ngành Hải Sinh Học thuộc Đại học Miami ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, cho biết một số rạn san hô ở Biển Đông đã "biến mất vĩnh viễn" vì bị con người bồi đắp xây dựng các căn cứ quân sự ngay trên chúng. Ông McManus, trong một nghiên cứu trước đó về hệ sinh thái ở Biển Đông, cũng cho rằng Trung Quốc là nước phá hoại nhiều nhất hệ sinh thái môi trường Biển Đông.