Vẫn chưa có đồng thuận về biển Đông được đưa ra ở Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 10 quốc gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN đang nhóm hợp tại Vientiane thủ đô nước Lào.
Phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Thái Lan nói rằng sau một phiên tranh luận kín trong ngày hôm qua, các Bộ trưởng vẫn chưa đồng tý với nhau sẽ viết cái gì ở phần biển Đông trong tuyên bố chung đưa ra vào ngày thứ ba tới đây. Người phát ngôn Thái Lan này nói thêm là đối thoại giữa các bên về vấn đề này vẫn đang tiếp diễn.
Trong lời chào mừng các quan khách, Bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà là ông Saleumxay Kommasith nói rằng mặc dù trên thế giới đang xảy ra nhiều thách thức và xung đột, nhưng khunh hướng của vùng Đông Nam Á vẫn là hòa bình, ổn định, và hợp tác phát triển.
Ngoài chuyện biển Đông, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN cũng bàn tới những vấn đề kinh tế, khủng bố, và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho hay là Bộ trưởng ngoại giao hai nước Việt Nam và Philippines muốn rằng trong bảng thông báo chung của ASEAN phải đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông, vốn bị Trung Quốc bác bỏ.
Quốc gia được cho là cản trở việc đưa ra đồng thuận về biển Đông là Cam Pu Chia.
Một nhà ngoại giao giấu tên có dự phiên họp kín của các Bộ trưởng nói với hãng thông tấn AP rằng Cam Pu Chia chính là kẻ phá bĩnh từ năm 2012, luôn nghe lời một cường quốc trong khu vực, ám chỉ Trung Quốc, nước đồng minh cung cấp nhiều viện trợ cho Phnom Penh trong thời gian gần đây. Bộ trưởng ngoại giao Cam Pu Chia đã từ chối bình luận về thông tin này.
Một nhà ngoại giao khác thì nói với hãng tin AFP rằng sự phá bĩnh của Cam Pu Chia làm cho tình hình ASEAN trở nên tồi tệ, vì nước này phản đối hết mọi thứ kể cả những qui trình về pháp lý và ngoại giao mà ASEAN đã từng bước gầy dựng nên trước đó.
Nước chủ nhà Lào cũng được cho là thân Bắc Kinh vì những khoản viện trợ hậu hĩ, nhưng thái độ của nước chủ nhà lần này là cẩn trọng không đứng về phe nào, vì theo lời một nhà ngoại giao có mặt ở hội nghị thì chỉ cần 1 nước là Cam Pu Chia không đồng ý thì sẽ không có tuyên bố chung nào được đưa ra vì ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.
Các nhà ngoại giao cũng nói rằng Hoa Kỳ không làm sức ép lên Bắc Kinh và Phnom Penh về biển Đông trong phiên họp lần này, vì Washington muốn có sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong vấn đề đối phó với Bắc Hàn về vũ khí hạt nhân.
Nhưng trước đó, vào hôm thứ bảy, Ngoại trưởng Mỹ là ông John Kerry có lên tiếng hối thúc các quốc gia ASEAN tìm kiếm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng trên biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế không chấp nhận đường lưỡi bò của Bắc Kinh trên biển Đông.
Hoa Kỳ cũng như đồng minh thân cận của mình là Philippines luôn kêu gọi mọi người phải tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài cũng như luật quốc tế.
Ông Kerry dự định sẽ có mặt ở thủ đô nước Lào vào ngày hôm nay (25/7) để tham dự hội nghi các ngoại trưởng khối ASEAN.
Ngoài ông Kerry của Hoa Kỳ, dự kiến là các bộ trưởng ngoại giao ASEAN còn có cơ hội gặp gỡ các ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc và ông Fumio Kishida ngoại trưởng Nhật Bản.
Ông Vương Nghị từ chối trả lời báo chí khi ông tới Vientiane vào hôm qua. Còn ông Kishida nói nếu ông gặp ông Vương Nghị, ông sẽ đề cập đến những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.
Website của Bộ ngoại giao Trung Quốc lập tức lên tiếng nói biển Đông không liên quan gì đến Nhật Bản, ngoài ra do thái độ không cầu thị của nước Nhật về quá khứ chiến tranh, nên Tokyo cũng không có quyền bình luận gì về Trung Quốc, ý muốn nói đến trách nhiệm của Nhật Bản gây ra thế chiến thứ hai làm nhiều người Trung Quốc thiệt mạng.
Vào ngày 12 tháng 7 vừa qua Tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở ở La Haye, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm đến 90% diện tích biển Đông. Đường này lấn sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế về luật biển, của các nước Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Vào năm 2013, Manila đã đệ đơn kiện Trung Quốc sau khi lực lượng hải quân của Bắc Kinh lấn chiếm bãi san hô Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc luôn lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài, không nhận phán quyết của tòa, và trước khi phán quyết được đưa ra Bắc Kinh đã tổ chức tập trận tại khu vực bắc biển Đông, còn sau khi phán quyết được đưa ra thì tuyên bố sẽ cân nhắc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, tức là đơn phương kiểm soát vùng trời biển Đông.
Những động thái này của Bắc Kinh làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Ngoài ra Trung Quốc còn lên tiếng kêu gọi hội nghị ASEAN đang diễn ra ở Lào cần lợi dụng dịp này để hàn gắn những thương tổn mà quyết định của tòa trọng tài gây ra cho ổn định và hòa bình trong khu vực.