Các quốc đảo Thái Bình Dương sắp ký thỏa thuận an ninh để đối phó với Trung Quốc

Úc, New Zealand cùng các quốc đảo vùng Thái Bình Dương đang chuẩn bị ký một thỏa thuận về an ninh mới để đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc nhân Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 9 tới. Giới chức chính phủ New Zealand cho biết như vậy hôm thứ sáu, ngày 6/7/2018.

Chính phủ New Zealand cho biết Trung Quốc đang ngày một hành động tự tin và lấn lướt hơn nhằm theo đuổi các lợi ích của nước này tại châu Á, và điều này đã gây nên căng thẳng với các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Ron Mark ra thông cáo cho biết khi Trung Quốc hội nhập trật tự quốc tế, quốc gia này đã không áp dụng các giá trị về nhân quyền và tự do thông tin được cổ võ bởi lãnh đạo các nước.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng New Zealand nhận định Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hóa quân đội, gia tăng khả năng của mình bằng sức mạnh kinh tế và tham vọng lãnh đạo. New Zealand phải đối mặt với những thách thức chồng chất với mức độ chưa từng có trước kia trong khu vực.

Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết thỏa thuận mới là tiếp tục của thỏa thuận an ninh đã được lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua từ năm 2000. Tuyên bố Biketawa đã tạo ra một khuôn khổ cho những phản ứng đồng thời đối với các khủng hoảng trong khu vực. Ví dụ điển hình là lực lược an ninh đa quốc gia do Úc dẫn đầu đã từng được gửi tới đảo Solomon vào năm 2003 để chấm dứt khủng hoảng dân sự tại đây. Nhiệm vụ này đã hoàn tất vào năm ngoái.

Bộ trưởng Dutton nói trong một phỏng vấn với mạng truyền hình Nine Network rằng Úc muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với các láng giềng gần trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế, trợ giúp và phát triển.

Trung Quốc trong thời gian qua đã nổi lên là một nhà tài trợ chính ở vùng Nam Thái Bình Dương đối với các nước bao gồm Papua New Guinea, Fiji và Vanuatu.

Bộ trưởng Dutton nhận định Trung Quốc đang vươn ra khu vực xung quanh Úc và Úc vẫn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên ông khẳng định Úc có trách nhiệm phải làm việc với các nước láng giềng.