Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 26 tháng 8 lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có những hành động xâm lấn cưỡng bức đối với các hoạt động khai thác dầu khí ở vùng nước mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã liên tục gửi tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu Hải cảnh, dân binh xuống khu vực gần bãi Tư Chính nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam để quấy nhiễu những hoạt động khai thác dầu khí tại lô 06.1 của Việt Nam.
Hôm 24/8 vừa qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống thậm chí còn vào hẳn trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185 km.
Bộ Quốc phòng Mỹ gọi các hành động của Trung Quốc là chiến thuật bắt nạt các nước.
"Trung Quốc sẽ không dành được lòng tin từ các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách tiếp tục duy trì chiến thuật bắt nạt", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết.
Tuyên bố cũng đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tiếp tục bảo vệ các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động kinh tế ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Hoa Kỳ đang tiếp tục đưa ra những phát biểu thiếu suy nghĩ, đưa ra những chỉ trích không có căn cứ chống lại Trung Quốc, hoàn toàn bóp méo thực tế và gây nhầm lẫn giữa đúng và sai.
Ông Cảnh Sảng thúc giục Hoa Kỳ nên ngừng ngay những hành động mà ông gọi là xấu và nên đóng vai trò tích cực, xây dựng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đây là lần thứ hai trong vòng khoảng 1 tuần qua, Hoa Kỳ đưa ra những chỉ trích nhắm vào hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cũng ra thông cáo lên án Trung Quốc gây hấn nhằm can thiệp vào các hoạt động kinh tế của các nước ở khu vực Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định Trung Quốc đang gây sức ép với các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, phải bỏ hợp tác với những công ty từ các nước khác, thay vào đó chỉ hợp tác với các công ty của nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông, qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Đường đứt khúc đi hẳn vào khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực và Trung Quốc sử dụng lập luận này để cho tàu vào các vùng nước đã được quốc tế công nhận của các nước khác.
Năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.