Kêu gọi điều tra độc lập cáo buộc thảm sát người Rohingya

Từ cuộc điều tra thảm sát người Rohingya ở Myanmar của hãng thông tấn Reuters, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 9/2 đưa ra yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra xác thực cũng như kêu gọi thả hai nhà báo Reuters hiện đang bị bắt giữ ở Myanmar.

Bản báo cáo đặc biệt, được công bố ngay trong tối 8 tháng 2 chỉ ra các phát hiện về 10 người đàn ông Rohingya bị giết hại ở làng Inn Din, bang Rakhine và được chôn trong một hố chôn tập thể sau khi bị phiến quân và người Phật giáo trong vùng bắn chết.

Trong bản điều tra chi tiết của Reuters, có các cuộc phỏng vấn những Phật tử xác nhận tất cả những gì họ đã làm đối với 10 người Rohingya đó.

Reuters trích lời Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói rằng bản báo cáo này nhấn mạnh việc yêu cầu đối với các nhà chức trách Miến Điện ngay lúc này phải hợp tác với một cuộc điều tra độc lập, đáng tin cậy về cuộc thảm sát đã xảy ra ở bang Rakhine.

Bà Heather Nauert nói thêm cuộc điều tra như vậy sẽ giúp đưa ra một cái nhìn tổng quát hơn về những gì đã xảy ra, làm rõ sắc tộc của các nạn nhân, xác định phía chịu trách nhiệm việc đã vi phạm nhân quyền, bạo lực, và thúc đẩy cho công lý.

Khi được hỏi về những bằng chứng mà Reuters đã phát hiện ra về cuộc thảm sát này, phát ngôn viên chính phủ Myanmar Zaw Htay cho biết vào hôm thứ Năm 8 tháng 2, trước khi bản báo cáo chi tiết được đưa ra, rằng "chúng tôi không phủ nhận những cáo buộc về vi phạm nhân quyền. và nếu có bằng chứng xác đáng và khả tín về vấn đề này, chính phủ sẽ điều tra."

Chính phủ Myanamr chưa đưa ra bình luận nào sau bản báo cáo của Reuters

Liên quan đến nội dung điều ta chi tiết về vụ thảm sát, hôm 9/2, lần đầu tiên Reuters công bố những hoạt động điều tra mà hai nhà báo, Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã thực hiện vào ngày họ bị bắt, 12/12.

Cả hai nhà báo hiện có thể đối diện với mức án 14 năm tù giam với cáo buộc vi phạm Luật Bí mật của Myanmar.

Một tháng sau khi 2 nhà báo bắt giữ, trong 1 lần hiếm hoi, quân đội Myanmar đã đưa ra tuyên bố thừa nhận rằng lực lượng phiến quân đã tham gia vào vụ thảm sát 10 người Rohingya ở làng Inn Din.

Bản điều tra chi tiết vừa được công bố của Reuters viết rằng cuộc điều tra của Reuters về vụ thảm sát ở Inn Din đã khiến chính quyền Miến Điện bắt giữ hai phóng viên của họ.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo điều tra, Reuters cho biết những nhân chứng phủ nhận đã có một cuộc tấn công của quân đội Rohingya trước khi xảy ra vụ thảm sát.