Thái Lan: Bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017

Bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017

Cuộc bầu cử ở Thái Lan có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2017 và chính phủ mới sẽ ra mắt trong tháng 12.

Phát ngôn nhân của Hội đồng soạn thảo Hiến pháp, ông Chatchai Na Chiang Mai hôm thứ Hai, ngày 8 tháng 8, nói với hãng thông tấn Reuters thông tin vừa nêu, nói thêm rằng kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân hôm Chủ Nhật có hơn 61% ủng hộ bản tân Hiến Pháp do chính quyền lâm thời quân sự soạn ra và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào thứ Tư tới đây.

Cùng ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam lên tiếng xác nhận cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm 2017 theo như kế hoạch của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đặt ra trước cuộc trưng cầu dân ý cho bản tân Hiến Pháp.

Mặc dù trước cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong ngày Chủ Nhật, 7/8, các đảng phái chính trị lớn của Thái Lan chỉ trích bản dự thảo Hiến Pháp bóp nghẹt tính dân chủ, kể cả điều khoản kêu gọi chỉ định Thượng viện với số ghế dành cho các tướng lãnh quân đội; tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng dân chúng Thái bày tỏ mong muốn có được sự bình ổn chính trị qua lá phiếu ủng hộ cho bản tân Hiến Pháp vì đất nước Chùa Vàng trải qua hơn một thập niên với 2 lần quân đội đảo chánh, người dân bị thương vong trong các cuộc biểu tình và tốc độ phát triển quốc gia bị kìm hãm.

Kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý

Với kết quả sơ bộ có hơn 61% ủng hộ bản tân Hiến Pháp, Chủ tịch Mặt trận Dân chủ chống Độc tài, ông Jatuporn Prompan cho biết chấp nhận kết quả này nhưng sẽ chờ đợi cuộc bầu cử trong năm 2017 diễn ra thế nào thì khi đó mới đưa ra quyết định.

Trong khi đó, phe đối lập với chính phủ lâm thời ở mạn Đông - Bắc Thái Lan vẫn chưa lên tiếng gì về kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý.

Không chỉ tán thành bản hiến pháp mới, 58% cử tri Thái đi bỏ phiếu hôm Chủ Nhật vừa rồi còn tán thành ý kiến thành lập thượng viện với 250 thượng nghị sĩ được đề cử, trong đó có một số ghế đương nhiên dành cho quân đội.

Sau khi được hình thành, Thượng Viện sẽ lãnh trách nhiệm chọn tân thủ tướng trong số 500 đại biểu được cử tri bầu chọn vào hạ viện, đồng thời Thượng Viện sẽ giữ vai trò kiểm soát mọi việc làm của tân chính phủ cũng như của Hạ Viện, với mục đích đảm bảo tất cả chính sách đổi mới đều được thực hiện và đi đúng đường hướng.

Bản hiến pháp vừa được đa số cử tri ủng hộ còn có điều khoản cho phép chính phủ lâm thời duy trì lệnh khẩn cấp mà không phải thông qua quốc hội, và thời hạn chuyển tiếp từ chính phủ lâm thời do quân đội điều khiển sang một chính quyền dân sự do dân bầu lên sẽ kéo dài tới 5 năm.