Người Tây Tạng được kêu gọi hãy chống lại ảnh hưởng ngoại lai đối với Phật giáo Mật tông của họ.
Tân Hoa Xã hôm nay (14/8) trích dẫn phát biểu của ông Du Chính Thanh, nhân vật thứ tư trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương, đưa ra với dân chúng Tây Tạng khi đến thăm vùng này vào ngày hôm qua.
Phát biểu của ông Du Chính Thanh được nhận định nhằm nhắm đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của người dân Tây Tạng hiện phải sống lưu vong.
Bắc Kinh luôn tuyên truyền là quân đội Trung Quốc đã giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình vào năm 1951. Và từ đó đến nay giúp vùng này phát triển.
Tuy nhiên, người Tây Tạng cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đàn áp tôn giáo của họ, làm phai nhạt bản sắc văn hóa riêng của Tây Tạng. Ngoài ra nguồn tài nguyên của Tây Tạng bị khai thác để phục vụ cho sắc tộc Hán đa số bất chấp mọi tàn phá môi sinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn chạy sang Ấn Độ sau cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng vào năm 1959.
Bắc Kinh luôn dùng những lời lẽ nặng nề chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho rằng Ngài là ‘cáo đội lốt thầy tu’. Tuy nhiên Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài chỉ đòi hỏi cho Tây Tạng được rộng quyền tự trị hơn. Đối với người dân Tây Tạng, Ngài vẫn được xem là vị lãnh đạo tinh thần của họ.
Vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu tiến hành hoạt động phá dỡ tại Học viện Phật giáo Larung Gar ở Tây Tạng. Đây được cho là học viện Phật giáo đẹp và lớn nhất thế giới.
Từ năm 2009 đến nay có hơn 140 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính sách hà khắc của Trung Quốc.